Vu lan bớt “đỏ lửa”
Đại dịch thay đổi nhiều hành vi của con người, kể cả nghi thức tâm linh như rằm tháng bảy, đại lễ Vu lan. Năm thứ hai liên tiếp người dân làm quen với hình thức lễ trực tuyến. Từ Phật đản tới đại lễ Vu lan đều tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc chống dịch.
Vu lan trùng với rằm tháng bảy xá tội vong nhân, cho nên trước đây dân tình đua nhau đốt vàng mã nghi ngút, vừa lãng phí vừa gây hệ lụy nguy hại cho môi trường. Phật tử Phùng Thực (Hà Nội) cho hay, nhiều năm nay không phung phí đốt vàng mã nữa, dùng tiền ấy tích cóp làm việc thiện.
Trong bối cảnh nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), đề nghị tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đấy, không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo, và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan. Các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng ni đang cấm túc sinh hoạt chúng và an cư kết hạ trong nội viện, nếu tổ chức Vu lan cần thông báo tới chính quyền địa phương.
Tăng ni, Phật tử góp sức người, góp của hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn trong đại dịch. Ảnh: NGÔ TÙNG |
“Vu lan là thời gian các chùa, cơ sở tự viện tụng kinh cầu siêu cho các chư vị vong linh, cửu huyền thất tổ các gia đình, dòng họ, anh linh các anh hùng liệt sỹ được an lành nơi tịnh cảnh. Nhân dịp này, Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thiết lập trai đàn cầu siêu cho các vong linh nạn nhân tử vong vì COVID-19 được siêu sinh tịnh độ theo nghi lễ trang nghiêm, truyền thống văn hóa dân tộc”, Chủ tịch Hội đồng Trị sự nêu.
Giáo hội khuyến khích các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến trong mùa Vu lan năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào phật tử và nhân dân. Ban Hoằng pháp Trung ương (GHPGVN) hôm 15/8 tổ chức khóa tu báo hiếu trực tuyến một ngày trên website của Ban. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, đánh giá, đây là khóa tu đặc biệt nhất của ngành hoằng pháp nhờ công nghệ 4.0 áp dụng vào tu tập. Không tập trung đông người, nhưng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm rất hài lòng bởi khóa tu lại tập hợp được đông đảo tăng ni, Phật tử.
Hành động đẹp
Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN kêu gọi tăng ni, phật tử tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho các quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và Quỹ Vắc-xin COVID-19, tổ chức nấu hàng ngàn suất cơm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của đại dịch. Đối với chùa, cơ sở tự viện có tháp thờ tro cốt, Giáo hội kêu gọi tiếp nhận miễn phí, thờ phụng trang nghiêm, quản lý chặt chẽ các hũ tro cốt của nạn nhân tử vong do COVID-19.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, phân tích, mùa Vu lan báo hiếu theo truyền thống Phật giáo dạy con người ta trước hết báo hiếu cha mẹ, gia tiên tiền tổ, cao hơn là dạy con người biết báo tứ trọng ân, trong đó có ân với quốc gia dân tộc, với hết thảy mọi người.
“Với tinh thần tứ trọng ân đó, đại lễ Vu lan năm nay tiếp tục nêu cao tinh thần Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng. Phật giáo quan niệm phục vụ chúng sinh thiết thực như cúng dường chư Phật, là hành động đền ơn đức Phật.
Vì lẽ đó hàng trăm tăng ni sinh tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân hoặc các trung tâm cách ly COVID-19. Giáo hội cũng kêu gọi tăng ni, Phật tử tích cực góp nhu yếu phẩm cho nhân dân gặp khó khăn, đóng góp vào quỹ vắc-xin”, Thượng tọa nói.
Tinh thần báo hiếu, báo ân này được nuôi dưỡng, duy trì trong suốt thời gian qua không cần cớ mùa Vu lan. Đó là việc Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Tâm đứng lên kêu gọi trao 6 tấn rau củ, 400 suất quà cho bà con bị phong tỏa ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Ban Trị sự GHPGVN TP Đà Lạt huy động tăng ni thu hoạch, bốc vác hơn 300 tấn rau hỗ trợ các địa phương chống dịch.
Trao hàng ngàn suất quà, nấu hàng ngàn suất ăn, hỗ trợ xe cứu thương, máy thở, đóng góp vào quỹ chống dịch đều là việc thiện mà nhiều ngôi chùa, tịnh xá, Ban trị sự, Ban từ thiện GHPGVN ở TPHCM kiên trì thực hiện suốt nhiều ngày qua.
Là người theo đạo Phật, nữ diễn viên Nguyễn Ngọc Thúy Diễm tâm niệm Phật tại tâm, báo hiếu là việc làm hằng ngày không nhất thiết chờ tới ngày Vu lan. Thúy Diễm cũng là một trong những nghệ sĩ năng nổ trong hoạt động thiện nguyện ủng hộ bà con vùng lũ, vừa rồi phối hợp đưa hơn 20 tấn rau củ để hỗ trợ bà con trong đợt giãn cách tại TPHCM.
Thúy Diễm còn bất ngờ ngừng kêu gọi khán giả bình chọn cho cô ở Top 5 Nữ diễn viên ấn tượng tại giải thưởng Ấn tượng VTV 2021 hôm 15/8.
“Dịch bệnh căng thẳng, phần lớn khán giả của tôi ở phía Nam, vì vậy lúc này mà đứng lên kêu gọi khán giả bình chọn cho mình quả là điều gì đó không phải, khiến tôi thấy không thoải mái. Nhiều người còn quá khó khăn, phải lo toan mưu sinh mỗi ngày, thậm chí đối diện với sự an nguy tới tính mạng”, Thúy Diễm chia sẻ.
Phật tử hay người theo bất cứ tín ngưỡng, tôn giáo nào khác không quan trọng, bởi đại dịch khiến lòng tốt trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tinh thần báo hiếu, báo ân được cộng hưởng, lan tỏa từ những việc làm đẹp của nhiều người nổi tiếng. Đó là Phiên chợ nghĩa tình thu hút nhiều người nổi tiếng như hoa hậu Hà Kiều Anh, ca sĩ Tóc Tiên, Ưng Hoàng Phúc, Kim Cương bán đồ để đổi lấy máy thở, đồ bảo hộ, giường bệnh tặng cho bệnh viện. Các hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Tiểu Vy, Đỗ Thị Hà và nhiều người đẹp như Diễm Trang, Thúy An, Phương Anh, Ngọc Thảo... thanh lý quần áo gây quỹ. Hà Anh Tuấn, Đàm Vĩnh Hưng, Việt Hương, Phi Nhung, Mỹ Tâm, Tùng Dương, NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long... nối dài danh sách người nổi tiếng tích cực hành thiện trong suốt thời gian qua.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức đại lễ Vu lan tối 12/7 âm lịch với các nghi thức cầu nguyện, nhiễu tháp, thắp nến tri ân để nguyện cầu quốc thái dân an, cửu huyền thất tổ, đặc biệt cầu siêu cho người dân chết vì đại dịch COVID-19. Hàng trăm tăng ni sinh của Học viện viết đơn phát nguyện để tham gia tuyến đầu chống dịch.