Theo Phật giáo sử, trụ kinh đầu tiên đánh dấu nơi Đức Phật chuyển pháp luân được vua A Dục ở Ấn Độ xây khoảng năm 249 trước Công nguyên tại vườn Lộc Uyển (Sarmath) - nơi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên Kinh Chuyển pháp luân. Trụ kinh nay không còn nguyên vẹn, được tu bổ lại làm chứng tích. Ngoài ra, vua A Dục còn xây thêm ba trụ kinh nữa ở những nơi Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật Niết Bàn - Ấn Độ.
Ở Việt Nam, nhiều tư liệu nghiên cứu cho thấy, ngay từ khi mới du nhập, Phật giáo đã để lại dấu ấn đậm nét tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu - Dâu. Tại đây, hơn 20 bảo tháp được xây dựng, 15 bộ kinh được dịch và hơn 500 tăng sĩ hoạt động hoằng pháp nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân. Trong đó, những cột kinh Phật, tháp thờ Phật... với nội dung thể hiện triết lý, giáo lý Phật giáo đã hiện diện và là những minh chứng sống động nhất cho triết lý, tư tưởng Phật giáo Việt Nam.
Kinh chuyển pháp luân thể hiện tinh thần trung đạo, tư tưởng Bát Chính Đạo (Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định), Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) và các hệ tư tưởng khác của Phật giáo có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt khoa học và thực tiễn trong việc bồi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người trong xã hội, hướng con người đến bản tính chân, thiện, mỹ.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bài kinh chuyển pháp luân, phê duyệt phương án thiết kế để lan tỏa tinh thần của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. |
Tuy nhiên, hệ thống kinh điển Phật giáo rất đồ sộ, có nhiều dị bản khác nhau. Mỗi hệ phái ở mỗi vùng miền lại có các nghi thức tụng niệm với nhiều loại kinh tụng khác nhau, dẫn đến một thực tế khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện các nghi lễ tập trung mỗi hệ phái lại tụng một bài kinh khác nhau, từ đó tạo ra sự thiếu tính thống nhất và trang nghiêm trong thực hành nghi lễ.
Năm 2015, Ban Văn hóa T.Ư được Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện 4 đề án, trong đó có Đề án Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam đã được phê duyệt. Sau khi nghiên cứu, trao đổi, tọa đàm, lấy ý kiến tăng ni các hệ phái Phật giáo, các chuyên gia, các nhà khoa học... kinh chuyển pháp luân đã được lựa chọn, biên tập, chỉnh sửa hoàn thiện và đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt.
Trên cơ sở nội dung kinh chuyển pháp luân được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt, Ban Văn hóa T.Ư đã tích cực phối hợp với các hệ phái Phật giáo và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố lan tỏa, phát huy dưới các hình thức khác nhau: in ấn phẩm, clip…và triển khai nghiên cứu phát huy qua hình thức trụ kinh.
Trụ kinh chuyển pháp luân được kế thừa truyền thống của trụ đá ở chùa Nhất Trụ, Ninh Bình. |
Đây là hình thức được kế thừa, phát huy ý nghĩa, tinh hoa Trụ đá của vua A Dục (272 - 236 TCN) ghi dấu những bước chân hoằng hóa độ sinh của Đức Phật ở Ấn Độ đương thời và Trụ kinh Lăng Nghiêm thời Tiền Lê (thế kỷ 10) dựng tại chùa Nhất Trụ (Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) với ước nguyện giáo lý Phật đã được lan tỏa khắp chốn nhân gian.
Trụ kinh chuyển pháp luân được dựng lên còn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng ngôn ngữ văn hóa Phật giáo và tinh thần dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời tiếp nối truyền thống Phật giáo thế giới và dân tộc, tạo quy chuẩn trụ kinh thống nhất cho các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Trụ kinh được ứng dụng cả ở di tích và công trình xây mới, đảm bảo đúng quy cách và hài hòa với cảnh quan. |
Theo đó, trụ kinh được phê duyệt thống nhất gồm ba phần: Đế trụ hình tứ giác giật 3 cấp, biểu trưng cho Tứ Diệu Đế và Tam hành chuyển pháp luân; Thân trụ hình bát giác, biểu trưng cho Bát Chính Đạo và con đường Trung đạo của Phật giáo; Đỉnh trụ hình hoa sen, biểu trưng cho Phật quả thanh tịnh, giác ngộ, viên mãn.
Phương án thiết kế này đã kế thừa truyền thống của Trụ kinh ở Hoa Lư (Nhất Trụ): Trụ kinh chùa Nhất Trụ (Trụ kinh Thủ Lăng Nghiêm bằng đá tại chùa Nhất Trụ, cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình do vua Lê Đại Hành cho xây dựng năm 995). Trụ được ứng dụng trong các công trình kiến trúc Phật giáo là di tích hoặc đang tồn tại nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn di tích.
Giáo hội yêu cầu khi xây dựng trụ kinh phải lựa chọn vị trí phù hợp, hài hòa về kích thước, màu sắc, chất liệu… và phù hợp trong thể chung các biểu tượng vốn có của công trình kiến trúc Phật giáo hiện có. Trụ kinh khi ứng dụng trong các công trình kiến trúc Phật giáo xây dựng mới thì vị trí dễ nhận diện (phía trước chùa, chính điện, trung tâm các công trình kiến trúc…) hài hòa với không gian cảnh quan, công trình kiến trúc và phù hợp tổng thể chung các biểu tượng vốn có của công trình kiến trúc Phật giáo truyền thống.