Một số nhân tố thành công là đặc hữu đối với Israel, nước khác khó có thể bắt chước như tư duy tiên phong, tư tưởng trọng nông… Nhiều nhân tố thành công khác có thể nhân rộng ở những nước khác.
Đầu tiên, chính phủ liên tục thể hiện sự lãnh đạo nhìn xa trông rộng, cam kết lâu dài với nông nghiệp và nước. Thời gian đầu, 30% ngân sách ngân sách được dành cho nông nghiệp và nước, 30% khác được dành cho giáo dục. Điều này dẫn đến việc sớm đầu tư vào một kiến trúc thể chế hiệu quả và một chính sách nông-công nghiệp mạnh mẽ, hướng mục tiêu với các ban sản xuất và tiếp thị nông sản được điều hành tốt để đảm bảo các ngành cụ thể (trái cây, rau…) có thể phát triển trong các thị trường cạnh tranh.
Thứ hai là tổ chức của nông dân. Ngay từ đầu, nông dân Israel hoặc là thành viên các hợp tác xã được quản lý tốt và hiệu quả, hoặc hoạt động độc lập nhưng do hội nông dân đại diện. Mối liên hệ này với đơn vị sản xuất lớn hơn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tăng sức mạnh đàm phán, cho phép họ cạnh tranh hiệu quả hơn, tiếp cận vốn, nghiên cứu, đào tạo, đầu vào của nông trại và thị trường một cách dễ dàng hơn.
Thứ ba là cách tiếp cận định hướng thị trường rõ ràng.Thị trường đóng vai trò ngôi sao dẫn đường cho việc lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên và điều phối, cho cả chính phủ và nông dân. Điều quan trọng là ngay từ đầu đã có sự phát triển song song của cả thị trường nội địa (để đảm bảo an ninh lương thực, tự cung tự cấp) và thị trường xuất khẩu (để tăng trưởng kinh tế).
Thị trường xuất khẩu luôn là động lực chính trong nghiên cứu nông nghiệp của Israel, vốn luôn tập trung vào việc làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia trong các chuỗi giá trị mục tiêu. Đây là cách Israel vươn lên dẫn đầu thế giới về nhiều loại nông sản như chà là, lựu, cam, cà chua…
Ngay từ những năm 1950, Israel đã huy động tài chính để xây dựng một đường ống dẫn nước dài 250 km từ hồ Kinneret ở phía bắc đến sa mạc Negev ở phía nam. Ðây là một thành phần quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp thành công ở vùng đất sa mạc (hơn 40% rau của Israel được trồng trên sa mạc, bao gồm 90% dưa xuất khẩu).
Thứ tư, Israel có một hệ thống đổi mới đa ngành, lấy nông dân làm trung tâm, tập trung vào giải quyết vấn đề. “Không gì là không thể cho đến khi chúng tôi chứng minh được điều đó là không thể”, Zion Deko, giám đốc một đơn vị nghiên cứu và phát triển của Israel, nói. Chìa khóa của cách tiếp cận không ngừng này là một tam giác vàng: mối quan hệ chặt chẽ và bình đẳng giữa các nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông và nông dân. Ngành nông nghiệp thương mại hóa các giải pháp sáng tạo và tung ra thị trường trên toàn quốc. Đi đầu là trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp quốc gia của Israel - Trung tâm Volcani. Đi cùng là dịch vụ khuyến nông đẳng cấp thế giới.
Cuối cùng, Israel huy động sự hỗ trợ quốc tế từ sớm để đưa các nguồn lực này vào kế hoạch phát triển riêng của mình, hướng chúng đến nơi họ cần chúng nhất.