Khi nói về khách du lịch, mỗi địa điềm đều có một thách thức khác nhau. Ở Barcelona (Tây Ban Nha), đơn giản là có quá nhiều người. Cho dù điều đó biến toàn bộ thành phố thành một khách sạn khổng lồ (9,5 triệu người đã ở trong các khách sạn của Barcelona vào năm 2019, tăng gấp 5 lần so với năm 1990) hay tạo tắc nghẽn giao thông, đây khó có thể là một trải nghiệm vui vẻ đối với dân cư địa phương.
Ở Dubrovnik (Croatia), khách du lịch lại quá phiền phức. Mùa hè này, thành phố đã khuyến nghị các du khách hãy nhấc những chiếc vali có bánh xe lên thay vì kéo lê chúng trên các con đường sỏi lịch sử. Tất cả những lời đề xuất trong chiến dịch “Tôn trọng thành phố” của Croatia đều khiêm tốn - xin đừng đùa giỡn với các bức tượng của chúng tôi, hoặc không cởi trần ở nơi công cộng - nhưng bạn có thể cảm thấy sự tuyệt vọng thầm lặng, khi một thành phố 41.000 dân chào đón 1,5 triệu khách du lịch mỗi năm.
Người dân biểu tình vấn đề khủng hoảng nhà ở tại Lisbon, vào tháng Tư này |
“Tôi tin rằng chúng ta nên coi việc du lịch như một loại tiêu dùng”, ông Frederik Fischer, Giám đốc điều hành Neulandia, tổ chức kết nối những người lao động với vùng nông thôn ở Đức cho biết: “Nếu bạn chỉ “tiêu thụ” một đất nước, hoặc một thành phố, tôi không nghĩ bạn đang thực sự mang lại lợi ích cho người dân và địa điểm đó”.
Amsterdam (Hà Lan) là nơi tiên phong của phong trào “hạn chế du khách”. Vào mùa hè này, hội đồng thành phố đã quyết định đóng cửa bến tàu du lịch ở trung tâm thành phố, nhằm “bảo vệ môi trường bền vững”. Nhưng có lẽ mục đích thực sự, qua những lời chê bai của người Hà Lan về du lịch, là để ngăn chặn mọi người (đặc biệt là người Anh) đến Amsterdam để phá hoại cảnh quan. Như cô Mati Ringrose, người điều hành một cửa hàng ở hạt Cornwall (Anh), nói: “Khi bạn đi nghỉ mát, bởi vì đó không phải là nơi ở của bạn, không phải là cộng đồng của bạn, nên có những người lợi dụng điều đó để hành xử hoàn toàn bốc đồng và quá trớn”.
Trong một chiến dịch trực tuyến được khởi động vào đầu năm nay, khi mọi người ở Anh nhập các cụm từ vào công cụ tìm kiếm như “tiệc độc thân Amsterdam” hay “quán rượu Amsterdam”, họ sẽ được cảnh báo hậu quả của việc uống quá nhiều rượu và sử dụng ma túy: phạt tiền, tiền án, nhập viện và tổn hại sức khỏe vĩnh viễn, cũng như khiến cuộc sống người dân trở nên khốn khổ. “Du khách vẫn được chào đón, nhưng nếu họ cư xử không đúng mực và gây phiền toái thì không. Chúng tôi không muốn điều này, vì vậy hãy tránh xa”, ông Sofyan Mbarki, phó thị trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế cho biết.
Một khía cạnh khác khiến mọi người thường phản đối du khách là tác động của họ đến giá bất động sản. Thủ đô của Bồ Đào Nha, Lisbon là ví dụ điển hình của một thành phố đã bị thay đổi đến mức không thể nhận ra. Trong mắt nhiều người địa phương, nó đã bị “biến chất” bởi những người đơn giản là có khả năng chi trả tiền thuê nhà cao hơn.
Ông Michael Oliveira Salac, một cư dân ở Bồ Đào Nha nói rằng, du khách đã tạo ra nhu cầu thuê Airbnb với khả năng trả tiền thuê cao hơn nhiều, đến nỗi nhiều cư dân Lisbon phải rời bỏ thành phố. Theo ông Oliveira Salac, điều này tạo ra hiệu ứng domino. “Đại lộ chính, nơi từng có các cửa hàng cũ với nhiều thương hiệu, giờ Gucci, Prada đã thế chỗ và khiến giá thuê nhà tăng vọt. Những người mới đến muốn sushi, họ muốn đồ ăn Thái, họ muốn ăn chay. Bởi vì những cửa hàng truyền thống không thể đáp ứng điều đó, họ buộc phải đóng cửa. Lisbon đã mất linh hồn của nó”, ông nói.
Venice (Ý) - “thành phố trên mặt nước” - có lẽ là điểm khởi đầu của hiện tượng “du lịch quá mức”. Với số nhà du khách ở thuê bằng số nhà người dân sở hữu, điều này khiến cuộc sống bình thường trở thành điều bất khả thi. Khác với Rome - nơi bạn vẫn có thể nhìn thấy được đời sống địa phương, Venice đã bị biến thành một “công viên giải trí” đến mức Unesco gần đây đã đe dọa cho thành phố vào danh sách di sản thế giới, bởi vì Ý đã không thể bảo vệ nó khỏi du lịch đại chúng và khủng hoảng khí hậu.
Những hậu quả này làm nhiều người phải tự hỏi liệu việc đi du lịch có thực sự đáng không. Cô Ringrose về lý không phải là một người vô gia cư, bởi vì cô hiện sống trong một chiếc xe tải lưu động với đứa con bảy tháng tuổi của mình, tuy nhiên cô cho biết, ngay cả phí đỗ xe cũng đã tăng vọt. “Tôi có rất nhiều bạn bè đang phải ở trong nhà cộng đồng dành cho người vô gia cư, điều đó thật điên rồ”. Vào mùa hè, các thị trấn nghỉ mát ở Cornwall đông đúc đến nỗi một người bạn khuyết tật của cô Ringrose phải chuyển chỗ ở vì cô ấy không thể xuống phố. Rồi khi mùa đông đến, cô nói: “Có những thị trấn mà không hề có một ánh đèn nào trong nửa năm. Không có cửa hàng nào mở cửa cả. Những nơi từng có nhiều cộng đồng đã biến mất. Nó ảnh hưởng đến tinh thần của cả hạt”.
Xét về mặt xã hội, mọi điểm đến trên trái đất đều đặt câu hỏi giống như Cornwall, Lisbon và Venice: nếu du lịch mang lại 12% thu nhập, nhưng lại chiếm đoạt gần như toàn bộ nhà ở, thì làm sao cuộc sống người dân có thể hoạt động bình thường? Nếu xét về mặt văn hóa ứng xử, thì có lẽ cách khắc phục dễ dàng hơn nhiều: hãy cân nhắc những người xung quanh bạn khi đi du lịch.