Nhật Bản: Nhóm máu quyết định tất cả?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong xã hội Nhật Bản, nỗi ám ảnh của nhiều người dân về nhóm máu có thể nói là điên rồ, mọi thứ đều có thể liên quan đến nhóm máu.

Đối với những người này, sinh con, kết hôn, làm việc… đều liên quan đến nhóm máu. Vì thế, những nhà phân tích nhóm máu chuyên nghiệp có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng cách dự đoán vận mệnh, xác định xu hướng cuộc sống dựa trên nhóm máu của khách hàng.

Nhật Bản: Nhóm máu quyết định tất cả? ảnh 1

Không ít người Nhật Bản coi trọng nhóm máu trong việc ra các quyết định liên quan yêu đương, hôn nhân, việc làm… Ảnh minh họa

Nhóm máu của con người được chia thành nhóm A, nhóm B, nhóm AB và nhóm O. Ở Nhật Bản, nhóm máu được nhiều người coi là thước đo quan trọng đánh giá tính cách con người, thậm chí còn quan trọng hơn cả lá số tử vi, cung hoàng đạo và MBTI (trắc nghiệm tính cách) phổ biến gần đây. Sự xuất hiện của hiện tượng này bắt nguồn từ một giả thuyết cách đây khoảng 50 năm do nữ tiến sĩ Toshitaka Nomi đề xuất và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước.

Bà Nomi phân loại các nhóm máu khác nhau dựa trên đặc điểm của chúng và đưa ra một số kết luận gây tranh cãi. Lý thuyết này chưa được kiểm nghiệm, chứng minh một cách khoa học.

Dù vậy, lý thuyết này vẫn thu hút sự chú ý rộng rãi và có một số ảnh hưởng đến đời sống xã hội Nhật Bản. Đầu tiên, nhóm máu được sử dụng để đánh giá tính cách và năng lực của con người, thậm chí còn liên quan đến việc lựa chọn bạn đời.

Nếu nhóm máu của hai người không hợp nhau, cô gái có thể từ chối hẹn hò với bạn trai; nếu người ứng tuyển có nhóm máu không hợp với vị trí thì hồ sơ xin việc có thể bị loại ra trước vòng phỏng vấn. Khi kết bạn, người ta thường hỏi đối phương nhóm máu gì, điều này về cơ bản sẽ quyết định ấn tượng đầu tiên về người đó.

Quan niệm về nhóm máu còn dẫn đến định kiến, thành kiến về các nhóm người thuộc nhóm máu khác. Theo lý thuyết của bà Nomi, người có Nhóm máu thứ nhất được coi là hậu duệ của những thợ săn dũng cảm, mạnh mẽ, có ý chí kiên cường; người có Nhóm máu thứ hai được coi là người thận trọng, tận tâm, siêng năng và tiết kiệm nhất; người có Nhóm máu thứ ba được coi là có tính sáng tạo nhất; người có Nhóm máu thứ tư được coi là người cơ hội, giỏi giao tiếp. Như vậy, những mô tả này đều mang tính cực đoan, phiến diện, không thể phản ánh chính xác tính cách cũng như đặc điểm của một người, tuy nhiên nhiều người Nhật Bản vẫn tin.

Theo một tài liệu của Nhật Bản, Nhóm máu thứ nhất tức là máu nhóm O, khoảng 31% dân số Nhật Bản có nhóm máu này; Nhóm máu thứ hai là máu nhóm A, chiếm khoảng 38%; Nhóm máu thứ ba là máu nhóm B, chiếm khoảng 21% và Nhóm máu thứ tư là máu nhóm AB, chiếm 9%.

Quan niệm về nhóm máu như vậy mang lại những áp lực và rắc rối nhất định cho mọi người. Một số người còn lấy nhóm máu làm nguyên tắc chỉ đạo trong giáo dục gia đình và đổ lỗi cho con cái khi hành vi, tính cách của chúng phù hợp hay không phù hợp với nhóm máu. Sự thiên kiến, nỗi ám ảnh như vậy khiến họ phân loại, đánh giá bản thân và người khác một cách quá mức, hạn chế tính đa dạng cũng như tính độc đáo của mỗi cá nhân.

Tương tự ở Việt Nam, trước khi quyết định kết hôn, nhiều người thường xem tử vi của cả nam và nữ để xem tuổi và tính cách của họ có hợp nhau hay không. Ở Nhật Bản, việc kết hợp được thực hiện dựa trên nhóm máu. Người có Nhóm máu thứ hai (A) được ưa chuộng hơn; nhiều công ty chuyên về hôn nhân và tình yêu sẽ ưu tiên người có nhóm máu này và tìm bạn đời phù hợp cho họ.

Lạm dụng nhóm máu

Thứ lý thuyết hoang đường và nực cười về nhóm máu vẫn tồn tại, dẫn đến sự phân biệt đối xử về nhóm máu, giống như hệ thống đẳng cấp ở xã hội Ấn Độ...

Điều ông chủ mong muốn là nhân viên thuộc Nhóm máu thứ hai “thận trọng, tận tâm, siêng năng và tiết kiệm”, chứ không phải nhân viên thuộc Nhóm máu thứ ba “có tính sáng tạo” hay thuộc Nhóm máu thứ tư “cơ hội, mồm miệng đỡ chân tay”... Những người thuộc Nhóm máu thứ ba thường bị tẩy chay vì bị cho rằng họ rất hay thay đổi, không thích tuân thủ trật tự, không biết phục tùng.

Đôi khi một số người Nhật Bản mắng con cái: “Tất cả là do nhóm máu của con”, vì con có Nhóm máu thứ ba nên mới có khuyết điểm và thiếu sót như vậy. Quan niệm phi lý này đã có những tác động nhất định đến xã hội, trong đó có sự phân biệt đối xử và định kiến giữa các cá nhân.

Nhóm máu rất quan trọng đối với nhiều người Nhật Bản nên họ bị ám ảnh bởi việc nghiên cứu các nhóm máu. Thống kê cho thấy mỗi người đều có ít nhất ba cuốn sách nghiên cứu về nhóm máu. Sách về nhóm máu rất dễ bán, thường cháy hàng ngay khi ra mắt ở các hiệu sách.

MỚI - NÓNG