Dự luật đã được đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đưa ra tại một phiên họp đặc biệt của Quốc hội Ấn Độ hôm 21/9. Phát biểu trước Quốc hội sau khi luật được thông qua, Thủ tướng Modi gọi đó là “luật lịch sử” trong khi nghị sĩ Đảng BJP Smriti Irani mô tả dự luật này giống như "Nữ thần Laxmi mang hình thức hiến pháp".
6 nỗ lực trước đó để thông qua dự luật đã bị đình trệ trong nhiều thập kỷ kể từ khi nó được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1996, đôi khi gặp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà lập pháp. Cố nghị sĩ Mulayam Singh Yadav, lúc đó là thủ hiến bang đông dân nhất Ấn Độ, Uttar Pradesh, đã đề xuất vào năm 2010 rằng dự luật không nên được thông qua vì nó sẽ buộc nam giới phải chỉ trích các đồng nghiệp nữ của họ trong Quốc hội.
Các phụ nữ đi ngang qua Tòa nhà Quốc hội của Ấn Độ, nơi chỉ có 13% số nghị sĩ là nữ giới - Ảnh: Guardian |
Theo luật mới, 1/3 số ghế trong Hạ viện và Hội đồng các bang của Ấn Độ sẽ được dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, hạn ngạch mới có thể mất tới một thập kỷ để có áp dụng, do một số quy trình nhất định cần phải diễn ra trước tiên để vẽ lại ranh giới bầu cử của Ấn Độ, một hoạt động phân định sẽ không được bắt đầu cho đến năm 2026. Chính phủ Ấn Độ cũng cần tiến hành cuộc điều tra dân số vốn đang bị trì hoãn, điều chưa được thực hiện kể từ năm 2011.
Hạn ngạch nữ giới sẽ không có hiệu lực trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới nhưng có thể sẽ được Thủ tướng Modi sử dụng để thu hút phiếu bầu từ các cử tri nữ trong chiến dịch tranh cử ở cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm sau, trong đó ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba.
Theo số liệu của chính phủ, chỉ 104 trong số 788 nghị sĩ Ấn Độ là phụ nữ sau cuộc bầu cử quốc gia vừa qua, chiếm hơn 13% một chút. Những con số đó phản ánh sự thiếu đại diện rộng rãi hơn của phụ nữ trong đời sống công cộng ở Ấn Độ. Theo số liệu của chính phủ, chỉ dưới 1/3 phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ tham gia lực lượng lao động chính thức vào năm ngoái.