Cuộc sống trong vỏ ốc ở Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Hiếm có đất nước nào đem lại cảm giác cô đơn cho chúng ta hơn là Nhật”, nhận xét của cựu phóng viên Louis Antoine trong cuốn du ký “Đi dọc nước Nhật” khiến tôi bị ám ảnh mãi. Và rồi tôi đã đến đây, để thấy.

Nhật Bản là đất nước rất ít trẻ con. Đây là cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đất nước mặt trời mọc. Ngay cả trong ngày nghỉ, ở công viên, các khu vui chơi, ngoài đường phố... cũng rất ít bóng dáng và tiếng huyên náo của lũ trẻ. “Những người lớn ở đây còn bận loay hoay trong vỏ ốc của mình, họ không cảm thấy an toàn khi bước ra ngoài, giao du, kết bạn, kết hôn và sinh con”, đồng nghiệp của tôi đã làm việc ở Nhật nhiều năm nhận xét.

Những tình yêu bốn chân

Cuộc sống trong vỏ ốc ở Nhật Bản ảnh 1

Một người cô đơn và một con chó trong công viên, hình ảnh thường thấy ở Nhật

Trong suốt một tuần ở đây, hình ảnh lặp đi lặp lại trong các điểm nhìn của tôi đều là những người già ngồi trầm tư một mình, ở công viên, sảnh chờ tàu điện, quán ăn... Lại nói đến quán ăn, có lẽ vì thiếu nhân lực, có lẽ vì sự tiện dụng, giao tiếp giữa khách và chủ quán chỉ tồn tại ở cái ipad. Khách đến cầm ipad chọn món, bếp sẽ nhận món qua hệ thống máy tính, và “người” đưa món ra bàn là những robot tự động. Kết thúc bữa ăn, khách sẽ bê bát đĩa ra chỗ quy định, hoặc đặt vào khay do robot tiếp quản.

Theo thống kê của chính phủ Nhật, mỗi năm trung bình có 450 trường học ở đất nước này phải đóng cửa vì không có học sinh. Số trẻ con ngoài đường ít đến đáng thương, trong khi thanh niên ở Nhật sợ kết hôn và sinh con. 20% người Nhật chọn cuộc sống “độc thân trọn đời”.

Buổi sáng Chủ nhật, chúng tôi tình cờ ghé qua một công viên ven Tokyo, thấy phía trước lác đác có người đẩy xe nôi, tôi ồ lên: có thế chứ, ngày nghỉ người ta mới cho trẻ con ra ngoài. Nhưng đến gần nhìn kỹ, trong xe nôi chỉ có những con chó được trang điểm tỉ mỉ đang ngồi cực kỳ yên tĩnh. Sắp đến ngày Halloween, người ta đội cho lũ chó mũ phù thủy và áo khoác đen. Rất ít người dắt chó bằng dây xích.

Cuộc sống trong vỏ ốc ở Nhật Bản ảnh 2

Thú cưng ngồi xe nôi, được những người Nhật gọi là tình yêu bốn chân

Trịnh Hùng, nghiên cứu sinh đã sống ở Tokyo 10 năm kể: “Trong khu nhà trọ của tôi có 8/12 người nuôi chó hoặc mèo. Họ gọi chúng là những tình yêu bốn chân. Lũ thú cưng này được hưởng chế độ chăm sóc không kém gì con người. Chúng được ăn thức ăn chọn lọc, được chăm sóc y tế định kỳ, được nâng niu, vuốt ve và được spa nghỉ dưỡng theo điều kiện của chủ. Nếu bạn nhớ câu chuyện con mèo Choupette của Karl Lagerfeld (nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Pháp) thì những con chó, mèo cưng ở Nhật cũng có số phận tương tự như vậy”.

Cũng theo Trịnh Hùng, một số đồng nghiệp của anh tâm sự, họ sẵn sàng chia sẻ cuộc sống và ràng buộc trách nhiệm với một con thú cưng hơn là một người chồng hoặc vợ. “Thú cưng sẽ luôn trung thành với ta, không đòi hỏi, không cằn nhằn và hơn hết, chúng không có nhu cầu kiểm soát”, Hùng nhắc lại lời một người bạn Nhật.

Nguyễn Quang Thanh, phóng viên của đài NHK vốn có hẹn đi ăn với chúng tôi ở Kyoto nhưng vì lịch đột xuất nên phải hủy. Thanh kể, từ sau sự việc một nữ phóng viên của NHK chết vì làm việc quá tải hồi năm 2013, công việc của anh đã được giảm tải nhưng vẫn còn rất xa mới chạm mức “bình thường”. Đây cũng là tình trạng chung của những viên chức tại Nhật. Người ta thậm chí không còn thời gian lẫn tinh lực để đi tìm một mối quan hệ ổn định.

“Cô đơn giờ là một đặc sản của Nhật”, Trịnh Hùng rất tiếc vì không đủ thời gian dẫn chúng tôi đi thử mì ramen ở chuỗi quán cô đơn. Ở đây, mỗi bàn ăn đều chỉ thiết kế dành cho một người và tất cả mọi khâu từ gọi món, phục vụ, trả tiền... đều tự động, nhân viên gần như chỉ có người đứng bếp.

Để khỏa lấp nỗi cô đơn, người Nhật hoặc là chọn nuôi thú cưng, hoặc là chọn các dịch vụ “cho thuê hơi ấm” có ở khắp mọi nơi và cực kỳ đa dạng về cung cách phục vụ. Nói thêm là các dịch vụ này đa phần không liên quan đến mại dâm, có khi nó chỉ bao gồm việc gối đầu lên đùi một cô gái trò chuyện, nhìn ngắm nhau qua khung cửa kính, hoặc cùng nhau đi dạo... Trong bộ phim “Kẻ trộm siêu thị” đoạt Cành cọ vàng năm 2018 của đạo diễn Kore-eda có miêu tả khá kỹ công việc của cô gái Aki: vì không tìm thấy hơi ấm trong gia đình, Aki đã bỏ nhà đến ở cùng vợ kế của ông nội và đi làm nghề “cho thuê hơi ấm”. Mỗi ngày cô ngồi sau cửa kính trò chuyện, thậm chí thoát y để đem lại cho những người đàn ông cô đơn từ già đến trẻ một chút cảm giác về hơi ấm con người.

Thế giới của các Hikikomori

Hikikomori là một thuật ngữ của Nhật dùng để chỉ các “ẩn sĩ” lánh đời. Những hikikomori tự sống giam mình trong phòng, tách biệt và từ chối mọi liên hệ với xã hội bên ngoài. Hikikomori mức độ nhẹ sẽ ra khỏi nhà 2-3 lần/tuần. Hikikomori mức độ trung bình sẽ ra ngoài 1 lần/tuần. Ca nặng là những người cực kỳ hiếm khi ló mặt ra khỏi ngưỡng cửa. Trung bình, hội chứng hikikomori kéo dài khoảng 1-4 năm, tuy vậy vẫn có những người cách ly xã hội tới một thập kỷ.

Cuộc sống trong vỏ ốc ở Nhật Bản ảnh 3

Một Hikikomori trẻ tuổi. Ảnh: Maika Elan

Câu chuyện hikikomori rộ lên ở Nhật từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó những “ẩn sĩ” đa phần là người trẻ. Thời gian dần trôi, hiện ở Nhật, các hikikomori có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính, họ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Đã có trên 1 triệu người Nhật Bản mắc phải hội chứng này, người ta cho rằng đó là mặt trái của việc quá coi trọng sự riêng tư, tôn sùng sự cô đơn và đời sống nội tâm.

Maika Elan, nữ nhiếp ảnh gia người Việt từng đoạt giải Pulitzer với bộ ảnh Pink Choice chia sẻ trong một sự kiện về Hikikomori: “Tôi sang Nhật 6 tháng và làm dự án Hikikomore khoảng 4 tháng. Tôi thấy ở Nhật Bản luôn tồn tại những mặt đối lập, như sự cô đơn đặt gần kề với cuộc sống phồn hoa đô thị.

Có quá nhiều bàn ghế dành cho người đi một mình ở các quán cà phê, quán ăn, rồi những nhân viên văn phòng mệt mỏi trên những chuyến tàu về nhà sau mỗi giờ làm. Ở đó luôn có sự cô đơn ngập tràn. Những Hikikomori hoàn toàn hiểu được cuộc sống của họ là một điều gì đó không nên. Họ biết là họ nên sống có ích hơn, nhưng họ hài lòng với cuộc sống hiện tại. Sống như vậy khiến họ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn.

Việc trở thành một Hikikomori cũng là cách để người ta sống hạnh phúc và xã hội chấp nhận điều đó. Nó là một trạng thái tâm lý chứ không phải bệnh lý. Tôi thấy nước Nhật họ chấp nhận chuyện này như một điều tự nhiên”.

Phóng viên Constantin Simon của kênh France 24 cũng chia sẻ một nhận định tương tự. Anh kể: “Vào cuối tháng 3, tôi chuyển đến Nhật Bản với tư cách là phóng viên của France 24, tôi đã chọn Hikikomori làm chủ đề đầu tiên. Tôi đã từng xem các báo cáo về hiện tượng này. Nó khiến tôi tò mò. Bản thân là một người khá “xã hội”, tôi muốn tìm hiểu xem những con người thu mình này là ai”?

Sau một tuần ở Nhật, Constantin được giới thiệu với ê kíp làm tạp chí Hikipos, xuất bản bằng năm thứ tiếng: Nhật, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Đây là tạp chí dành riêng cho cộng đồng hikikomori ước tính lên tới gần 1,5 triệu người ở Nhật.

Cuộc sống trong vỏ ốc ở Nhật Bản ảnh 4

Phóng viên Constantin Simon giới thiệu cuốn tạp chí Hikipos của cộng đồng hikikomori

“Tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Hikikomori (những người được giới truyền thông miêu tả là những người phi xã hội, khép kín, tách biệt với thế giới) rời khỏi nhà, cầm một cuốn tạp chí, tranh luận, trao đổi, bộc lộ những quan điểm, sắc thái trái ngược nhau mà không thiếu sự tinh tế... Tôi bị quyến rũ nhưng cũng có phần bối rối trước cộng đồng nhà báo hikikomori lịch sự và văn minh này. Không có người điên, không có người chống đối xã hội. Tôi thậm chí còn phát hiện ra một hikikomori đã đi du lịch và nói ngôn ngữ của tôi”!

Cuối cùng, Constantin kết luận: “Dù sao đi nữa, cuộc sống được tạo nên từ những khác biệt. Thế giới này đa dạng như thế, sao có thể bắt người khác sống giống hệt như mình. Mỗi người phải biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Và đó là điều tôi cảm nhận được khi nói chuyện với rất nhiều hikikomori trong sáu tháng qua: sự đa dạng về tính cách, suy nghĩ, lối sống... Tôi hy vọng rằng tạp chí này duy trì được mối liên kết với những người đã mất hết kết nối”.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện cưới dịp Quốc khánh ở Trung Quốc

Chuyện cưới dịp Quốc khánh ở Trung Quốc

TP - “8 ngày nghỉ lễ, 7 bữa tiệc cưới” đã trở thành chủ đề thảo luận nóng trên mạng xã hội Weibo. Nhân vật chính của cụm từ nóng này là một cô gái gen Z mới bắt đầu đi làm, “7 bữa tiệc” tức là tốn rất nhiều tiền mừng, vì vậy cô đã kêu ca, than phiền, gây nên bàn tán.
Đại sứ Mỹ: Trong thập kỷ tới, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ hơn nữa

Đại sứ Mỹ: Trong thập kỷ tới, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ hơn nữa

TPO - Tối 21/9, tại cuộc gặp gỡ báo chí trong lễ hội tiệc nướng mỹ vị Hoa Kỳ tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp tổ chức, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết: “Chúng tôi tự hào có thể mang tới các sản phẩm của nông dân Hoa Kỳ, ngư dân Hoa Kỳ tới Việt Nam. Tất nhiên, tôi cũng hy vọng các sản phẩm của Việt Nam ngày càng phổ biến ở Hoa Kỳ”.
Ngày hội Văn hóa và Quảng bá sản phẩm lần thứ nhất tại Đài Loan (Trung Quốc)

Ngày hội Văn hóa và Quảng bá sản phẩm lần thứ nhất tại Đài Loan (Trung Quốc)

TPO - Ngày 26/8, tại Đài Loan (Trung Quốc) đã diễn ra Ngày hội Văn hoá và Quảng bá sản phẩm lần thứ nhất. Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài phối hợp với Văn phòng Văn hoá Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn, kinh doanh tại Đài Loan (Trung Quốc) và các cơ quan liên quan tại Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp tổ chức.
Khi du lịch phát triển quá mức

Khi du lịch phát triển quá mức

TP - Du lịch phát triển quá mạnh mẽ cũng có thể trở thành một vấn đề – và các thành phố lịch sử đang bắt đầu đứng lên chống trả. Nhưng liệu những người dân địa phương có thể ngăn chặn làn sóng du khách đông đúc, ồn ào không?