Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, cách đây mấy ngày, trang web của chính quyền huyện Tương Âm đã đăng tải ý kiến phản hồi của Cục Nội vụ huyện “Về văn bản kiến nghị coi trọng khó khăn trong việc lấy vợ của thanh niên nông thôn lớn tuổi” của thành viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương. Nội dung trả lời viết: “Hiện nay, vấn đề thanh niên nông thôn lớn tuổi không lấy được vợ đã trở nên phổ biến và nổi cộm, trở thành một vấn đề ảnh hưởng đến ổn định xã hội nông thôn, hạn chế phát triển kinh tế nông thôn. Điều này đã trở thành một vấn đề lớn ngày càng ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội hài hòa. Việc khuyến khích nữ thanh niên nông thôn ở lại quê hương nhằm mục đích nỗ lực giảm tỷ lệ mất cân bằng giữa nam và nữ ở khu vực nông thôn”.
Chính sách này lập tức làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, như: “Tại sao phải hy sinh quyền lợi của phụ nữ?”, “Tại sao không khuyến khích nam thanh niên nâng cao bản thân?”, “Hãy phát triển kinh tế và chấn hưng văn hóa, phụ nữ trẻ đương nhiên sẵn sàng ở lại”... Vào ngày 8/10, nhân viên của Cục Nội vụ huyện Tương Âm khi trả lời báo chí đã nói rằng: “Ý kiến phản hồi nói trên không phải “coi phụ nữ là hàng hóa” hay phân biệt đối xử với phụ nữ, mà chỉ nhằm đề xướng và khuyến khích, chứ không ép buộc phụ nữ trẻ nông thôn ở lại nông thôn quê hương”.
Nhiều cư dân mạng cho rằng những đề xuất và phản hồi có liên quan trên trang web của chính quyền không tôn trọng tính cách độc lập và ý chí tự do của phụ nữ. Về vấn đề này, nhân viên này cho rằng: “Không có sự thiếu tôn trọng nào. Chúng tôi làm công việc của mình vốn dĩ chỉ vì người dân. Tôn chỉ của chúng tôi là hướng đến con người và không hề có ý kỳ thị gì ở đây”.
Tự do kết hôn là quyền cơ bản được pháp luật trao cho công dân. Liệu việc khuyến khích phụ nữ trẻ nông thôn ở lại quê nhằm mục đích cố gắng giảm tỷ lệ mất cân đối giữa nam và nữ ở nông thôn liệu có bị cho là can thiệp vào quyền tự do hôn nhân không? Đáp lại câu hỏi này, nhân viên công tác của Cục Nội vụ huyện trả lời rằng, đây không phải là can thiệp vào quyền tự do kết hôn mà là đối mặt với vấn đề khó khăn trong việc lấy vợ của thanh niên nông thôn lớn tuổi.
Ông này nói: “Trong văn bản trả lời, chúng tôi đề cập đến bốn mặt công tác, gồm: Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền dẫn dắt, thay đổi phong tục tập quán cũ; Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi về hộ khẩu; Thứ ba, lập ra các nền tảng làm quen, tạo ra cơ hội giao tiếp; Thứ tư, tạo nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập. Ví dụ, về điểm thứ nhất (tăng cường tuyên truyền dẫn dắt, thay đổi phong tục tập quán), chúng tôi chỉ có thể đề xướng hoặc khuyến khích phụ nữ trẻ ở lại quê, cũng là đóng góp cho quê hương”.
Đồng thời, một số cư dân mạng kiến nghị có thể đề xướng các đàn ông quá lứa “ra ngoài tự đi tìm nửa bên kia”. Về vấn đề này, nhân viên công tác cho rằng: “Nếu tất cả đều đến các đô thị lớn thì làm sao xây dựng các quận huyện nhỏ được? Tất cả đều tập trung về các thành phố lớn thì phải quản lý dân cư như thế nào? Xây dựng quê hương là trách nhiệm của mỗi người dân”.
Theo trang Jiupai News, Ngô Tương, một vị Ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị huyện Tương Âm, người đưa ra chủ trương nói trên, là một doanh nhân. Ngô Tương nói rằng sau một vài năm nữa, vấn đề chăm sóc người cao tuổi cho những người đàn ông không lập gia đình sẽ “mang lại gánh nặng cho đất nước”. Chính vì vậy, ông đã đưa ra kiến nghị như trên.
Về quan điểm của Ngô Tương, nhân viên công tác Cục Nội vụ huyện Tương Âm nói trên cũng bày tỏ đồng tình. Theo quan điểm của ông, đây là một biện pháp phòng ngừa. "Số lượng đàn ông lớn tuổi không thể lấy được vợ đang tăng lên. Ông ấy (Ngô Tương) đã xem xét kỹ lưỡng và đưa ra đề xuất này. Nuôi dưỡng người cao tuổi hiện đang là chủ đề lớn nhất. Hiện nay, mô hình dưỡng lão của chúng ta là “gia đình dưỡng lão”, con cái nuôi dưỡng cha mẹ. Đất nước đã ban hành chính sách sinh con thứ ba rồi; nếu không kết hôn thì làm sao dưỡng lão được?”.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng, “quan điểm phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm giải quyết vấn đề dưỡng lão khó khăn của xã hội, thực chất là coi phụ nữ như người hầu của nam giới”. Về vấn đề này, nhân viên công tác này cho rằng hiện tại, điều kiện của phụ nữ rất đáng lạc quan, “Ở mọi vị trí khác nhau, tỷ lệ phụ nữ hiện nay ngày càng cao, không có chuyện gọi là “phụ nữ là vật phụ thuộc nam” như có người nghĩ”.