Thương binh Ha Tin sản xuất giỏi, hiến đất mở rộng đường làng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không chỉ sản xuất giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thương binh 4/4 Kơ Să Ha Tin còn giúp nhiều người thoát nghèo; gương mẫu đi đầu hiến đất mở rộng đường, làm đẹp buôn làng.
Thương binh Ha Tin sản xuất giỏi, hiến đất mở rộng đường làng ảnh 1

Già Ha Tin và người thân tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường làng

Gia nhập đội du kích bảo vệ buôn làng

Ở ngôi làng mang tên Liêng Bông (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) rất nhiều người biết đến già Kơ Să Ha Tin. Dân làng bảo rằng không những ông hay chữ, đánh fulro rất cừ mà còn làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng. Mặc dù đã 67 tuổi nhưng ông khá rắn rỏi, tinh anh.

Ngôi nhà của ông Ha Tin ở giữa làng, khá khang trang; trên tường treo nhiều bằng khen, giấy khen của huyện và tỉnh về nông dân thi đua sản xuất giỏi, gia đình cách mạng gương mẫu, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Trong cuộc trò chuyện, khi khách hỏi chuyện về thời trai trẻ, gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên. “Những năm 1975-1977, ở các buôn làng Tây Nguyên, người học đến cấp 2 như mình hiếm lắm. Vì thông thạo con chữ nên mình được công an, bộ đội cho gia nhập đội tuyên truyền chống fulro rồi làm du kích để bảo vệ sự bình yên của buôn làng”, Ha Tin hồi tưởng.

Đến năm 18 tuổi, Ha Tin cùng đồng đội đương đầu với fulro. Ông thường đến những buôn làng trên núi cao, rừng sâu của tỉnh Lâm Đồng như núi Voi (huyện Đức Trọng), khu vực Đầm Ròn (thuộc huyện Đam Rông ngày nay)… để tuyên truyền, vận động những gia đình có người đi theo tổ chức phản động fulro kêu gọi con em ra hàng.

“Nói chuyện với cán bộ và đọc sách báo, biết Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến cuộc sống người dân tộc thiểu số, hỗ trợ vốn, chỉ đường dẫn lối làm ăn, do đó mình một lòng theo cách mạng. Với những người nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, chống phá cách mạng, làm hại dân làng, mình cố gắng khuyên họ trở về con đường sáng”, Ha Tin chia sẻ.

Trong lúc tuần tra truy quét fulro ở vùng Killplagnol Hạ (huyện Lạc Dương ngày nay), Ha Tin bị địch bắn xuyên má, gãy xương bả vai, trở thành thương binh hạng 4/4. “Trận đó tưởng nằm lại rừng Yàng rồi, may nhờ bộ đội ứng cứu kịp thời”, già Ha Tin kể.

Sau thời gian dưỡng bệnh, Ha Tin nhận nhiệm vụ xóa mù chữ cho dân làng và một số cán bộ trong vùng. Năm 1986, Ha Tin được kết nạp Đảng; đến năm 1990, ông làm Phó chủ tịch xã, sau đó là Chủ tịch Mặt trận xã Đạ Nhim.

Luôn gương mẫu đi đầu

Già Ha Tin kể, lúc tham gia chiến trận ngày đêm lội suối, băng rừng, luôn được rừng núi chở che. Những năm tháng khan hiếm lương thực, thực phẩm sau chiến tranh, rừng cho dân làng củ mài, lá bép, búp măng xanh... Bởi thế, ông thường nhắc nhở mọi người chung tay trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ông Dơng Gur K’An, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim, già Ha Tin là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào sản xuất giỏi, thi đua yêu nước, nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới của xã. Ông là đảng viên gương mẫu, gần dân và được dân tin tưởng.

Là người đi nhiều, quen biết rộng, ông Ha Tin học được cách thức làm ăn mới để vươn lên làm giàu. Nhờ nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi các chuyên gia qua những cuộc hội thảo, vườn cà phê rộng 3ha của gia đình ông luôn ở trong top đạt năng suất, chất lượng vượt trội so với hàng trăm khu vườn khác trong xã.

Thương binh Ha Tin sản xuất giỏi, hiến đất mở rộng đường làng ảnh 2

Vườn cà phê xanh tốt ngút ngàn sau khi tái canh

Trước tình trạng giá cả nông sản lên xuống thất thường, gia đình Ha Tin không độc canh cà phê mà chuyển một số diện tích đất sang trồng rau, hoa. Nhờ đa canh cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn nhà ông lúc nào cũng tươi xanh, quả trĩu cành, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thấy gia đình Ha Tin làm ăn phát đạt, người dân trong làng tìm đến học hỏi. Nhờ được già tận tình chia sẻ kinh nghiệm, nhiều người chuyển diện tích cà phê già cỗi sang trồng rau, hoa hoặc trồng xen dâu tây, chanh dây, cây hồng ăn quả trong vườn cà phê. Nhờ vậy mà các hộ thoát nghèo.

Theo lời các cán bộ thôn Liêng Bông và xã Đa Nhim, những lần họp dân bàn chuyện hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa..., hễ có ý kiến đồng thuận của già Ha Tin là nhiều người nghe theo.

Mới đây, gia đình ông Ha Tin đã tiên phong hiến 80m2 đất và tháo dỡ hàng rào kiên cố để mở rộng đường làng. “Mình đảng viên, nói được, làm được thì dân mới tin”, già Ha Tin chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.