Những cánh đồng được các hộ dân tộc thiểu số xen canh, gối vụ, không để đất hoang hóa |
Ngày 13/9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng có văn bản báo cáo về công tác quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 9 quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để giao cho UBND các huyện bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích hơn 320ha.
Trong đó, huyện Bảo Lâm đã bố trí hơn 154ha cho các hộ dân tộc thiểu số thiếu đất, huyện Đơn Dương bố trí 123ha, huyện Lâm Hà hơn 19,4ha, huyện Lạc Dương trên 7,8ha và huyện Đam Rông 5ha.
Đối tượng được bố trí đất sản xuất là các hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Nếu căn cứ theo Quyết định số 2217 ngày 23/10/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng, diện tích đất ở và đất sản xuất nông nghiệp còn phải bố trí cho các đối tượng trên gần 500ha.
Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, công tác bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Chẳng hạn, một trong những giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016–2020 được Thủ tướng Chính phủ thống nhất là hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp (đất rừng tự nhiên) sang mục đích khác.
Một số huyện dù đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định giao đất theo đề án nhưng vẫn vướng mắc thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng, khai thác tận thu lâm sản…
Đa số các quỹ đất quy hoạch bố trí cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất được lấy từ đất lâm nghiệp quy hoạch cho lâm nghiệp. Tuy nhiên, qua rà soát của một số huyện như Đam Rông, Đức Trọng và Di Linh, hiện quỹ đất này còn rất ít hoặc không còn để bố trí.
Trước tình hình đó, theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Ngọc Hải, cần có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, nên có các chính sách chuyển đổi từ hình thức khai hoang sản xuất sang hướng khác như hỗ trợ kinh phí để mua đất sản xuất; chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ mua nông cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi.
Đồng thời, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng, các hội đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và chuyển giao các phương pháp khoa học kỹ thuật mới thông qua chương trình tập huấn, khuyến nông, khuyến lâm để giúp đồng bào dân tộc thiểu số thâm canh, tăng năng suất cây trồng.
Người K'Hotái canh cà phê để tăng năng suất |
Mặt khác, theo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh, diện tích đất Nhà nước giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không nhiều, chủ yếu có nguồn gốc từ khai hoang hoặc do ông bà để lại.
Đối với những trường hợp đất không phải do Nhà nước giao đất mà do công nhận quyền sử dụng như trên, khi xảy ra ly hôn, người mất khả năng lao động, đi khỏi nơi cư trú, không còn nhu cầu sử dụng đất… thì đề xuất cho người sử dụng đất được chuyển mục đích.
Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng còn đề xuất, về chính sách đất đai, cần có quy định miễn lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền, tiền nộp chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, tiền thuê đất hàng năm… đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất.