Người K'Ho Sre đã thành thạo trong việc trồng cây sầu riêng |
Bà Nguyễn Thị Gái, Phó chủ tịch UBND xã Đinh Lạc (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, nhờ triển khai hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các thôn, bản của xã được bê tông hóa 100%, đời sống vật chất và tinh thần người dân xã nghèo năm nào nay đã có những đổi thay tích cực.
Xã Đinh Lạc có hơn 11 ngàn người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 1/4 dân số, chủ yếu là người K’Ho Sre, sinh sống tại thôn Duệ và thôn Kao Kuil.
Đa số các hộ nghèo của xã sinh sống tại 2 thôn này. Đời sống của người dân rất khó khăn, cái nghèo đeo bám dai dẳng bởi phương thức canh tác chủ yếu là trồng lúa một vụ, năng suất chỉ đạt khoảng 5tạ/ha; diện tích đất bỏ hoang nhiều do thiếu nước tưới.
Để giúp các hộ K’Ho Sre thoát nghèo, UBND xã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng ngô lai, cung cấp cho Công ty Vinamilk làm nguồn thức ăn cho bò sữa.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Di Linh, các giống ngô được bà con đưa vào gieo trồng chủ yếu là NK96, NK7328... với thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng thích ứng rộng, năng suất khá ổn định, chống chịu sâu bệnh khá tốt.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình điểm, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, cán bộ nông nghiệp luôn đồng hành với nông dân, đến tận vườn chia sẻ kinh nghiệm nên việc chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao. Năng suất ngô vụ đông xuân đạt từ 40-45 tấn/ha. Với mức giá thỏa thuận giữa nông dân và công ty, thu nhập từ trồng ngô cao gấp 3 lần so với trồng lúa trên một đơn vị diện tích.
Xã còn hỗ trợ người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm; chuyển từ nuôi bò cỏ sang bò sữa, heo siêu nạc sang heo đen…; chuyển đổi việc trồng lúa sang trồng xen nhiều loại cây (sầu riêng, mắc ca, dâu tằm…) để tăng thu nhập.
Nhiều hộ nâng cao thu nhập nhờ nuôi heo đen |
Các cơ quan chức năng còn mở lớp đào tạo nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động nông thôn, tạo công ăn việc làm, từ đó thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao.
Ông K’Ren, một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn Kao Kuil phấn khởi cho biết gia đình ông đã chuyển diện tích đất trồng lúa một vụ sang trồng 5 sào sầu riêng và 2ha ngô cho thu nhập cao gấp từ 3-4 lần so với trước.
Cây ngô dễ chăm bón hơn cây lúa, thời gian sinh trưởng ngắn, sản lượng cao và ổn định hơn cây lúa. Mỗi vụ ngô, gia đình ông K’Ren thu được khoảng 90 tấn; sau khi trừ chi phí, số tiền lãi xấp xỉ 50 triệu đồng.
“Các cán bộ của huyện Di Linh và xã Đinh Lạc nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn chúng tôi cách làm ăn mới; thường xuyên đôn đốc trồng xen nhiều loại cây để có thể thu hái quả quanh năm. Cán bộ dành thời gian đến tận vườn giúp bà con phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn cách chăm sóc, cải tạo đất để năng suất cây trồng năm sau cao hơn năm trước”, ông K’Ren phấn khởi nói.
Tương tự, hộ ông K’Brép cũng làm ăn phát đạt nhờ áp dụng phương thức canh tác đa canh đa cây, kịp thời chuyển đổi đất trồng lúa sang đầu tư 1ha sầu riêng, loại cây ăn quả “hot” nhất hiện nay do đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; đồng thời xuống giống nhiều diện tích ngô lai.
Theo ông K’Brép, vùng này lâu nay khan hiếm nước vào mùa khô nên ông cùng các hộ lân cận mua máy bơm để bơm nước từ dưới mương lên; đồng thời, đầu tư hệ thống tưới tự động để cung cấp đủ độ ẩm cho đất, giúp ngô sinh trưởng tốt, tránh sâu bệnh.
“Cán bộ nói bây giờ khoa học kỹ thuật đã phát triển nên phải tranh thủ áp dụng vào sản xuất chứ không thể trông đợi trời mưa như trước. Thấy cán bộ nói được làm được, mình tin tưởng làm theo nên mới được như bây giờ”- ông K’Ren tâm sự.
Theo gương những người đi tiên phong như K’Bróp, K’Ren, K’Brép, hàng chục hộ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa một vụ sang trồng bơ, sầu riêng, mắc ca, ngô lai… và đều nâng cao thu nhập.
Huyện và xã còn mở các lớp dạy nghề đan lát (nghề truyền thống của người K’Ho) để giúp những người thiếu đất sản xuất có thêm thu nhập, không bị thiếu đói khi giáp hạt.