Bộ GD&ĐT vừa có Thông tư quy định, nội dung dạy và học Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 gồm các nội dung cụ thể: chuẩn bị tâm thế vào lớp 1; hình thành kĩ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển năng lực nghe, nói; hình thành, phát triển năng lực đọc, viết.
Các nội dung trên được sắp xếp tương ứng với 20 bài học, qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi, phù hợp với trẻ em trong độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1.
Trong đó, thời lượng không quá 80 tiết học, mỗi tiết tối đa 35 phút. Thời gian thực hiện trong hè, trước khi trẻ vào lớp 1. Các địa phương tuỳ tình hình thực tế để bố trí thời gian, thời lượng phù hợp, hiệu quả.
Bộ GD&ĐT quy định, trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 được dạy Tiếng Việt với thời lượng không quá 80 tiết học. |
Bộ GD&ĐT cũng quy định, các trường tiểu học tuỳ vào điều kiện lớp học, giáo viên lập kế hoạch dạy Tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phù hợp. Ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực tốt, biết tiếng dân tộc và am hiểu văn hoá địa phương đứng lớp.
Trong đó, để đảm bảo mục tiêu, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể từng nội dung gắn với các hoạt động. Ví dụ như, giúp trẻ hình thành năng lực nghe, nói Tiếng Việt, giáo viên hướng dẫn các em biết cách sử dụng những câu, từ giao tiếp cơ bản như: cảm ơn, xin lỗi, hỏi, trả lời; nghe, nói trong những tình huống làm quen ban đầu và giao tiếp bằng Tiếng Việt phù hợp lứa tuổi…
Trẻ em cũng sẽ được rèn kĩ thuật sử dụng sách, kĩ thuật đọc đúng như: cầm sách, mở sách, lật sách; nhận biết bìa sách, trang sách, chữ và hình ảnh minh hoạ; cách đưa mắt từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; Cũng cố việc nhận dạng và đọc được chữ cái đơn; các số từ 1-9.
Bộ GD&ĐT cũng quy định, trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được hướng dẫn biết cách cầm bút, biết tô chữ và chữ số trên vở ô li. Trẻ tô được các tổ hợp nét cơ bản như: nét ngang, nét thẳng, nét xiên trái, nét xiên phải, nét móc…
Về yêu cầu đối với hoạt động dạy và học, Bộ GD&ĐT hướng dẫn nhà trường thiết kế bài học theo các hoạt động cơ bản gồm: Khởi động, kết nối, khám phá, luyện tập, vận dụng, trải nghiệm. Đa dạng hoá các hoạt động dạy học như: múa hát, đọc thơ, vè và đồng dao, tô vẽ, kể chuyện…nhằm tạo sự thích thú cho học sinh.
Thực hiện phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp dạy học ngôn ngữ thứ hai để dạy học tiếng Việt cho trẻ. Tổ chức thông qua hoạt động chơi, trải nghiệm, khám phá, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lí của trẻ trong độ tuổi chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học. Tích hợp dạy và học tiếng Việt với dạy các kĩ năng học tập ban đầu, tích hợp dạy và học tiếng Việt với dạy và học văn hóa dân tộc.
Để đạt hiệu quả, trước đó, các trường tiểu học cần tổ chức các buổi gặp mặt, giới thiệu cho phụ huynh hiểu về chương trình, mục tiêu để gia đình có biện pháp phối hợp, chuẩn bị đồ dùng học tập, trang phục... cho trẻ tới trường.