Đưa trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số 'ra khỏi màn sương'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại buổi toạ đàm “Ra khỏi màn sương”, những vấn đề về quyền bình đẳng giới, an sinh xã hội… với trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số đã được bàn luận sôi nổi.

Sáng 5/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra buổi tọa đàm có tên “Ra khỏi màn sương” với chủ đề thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Được tổ chức bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, buổi tọa đàm có sự xuất hiện của em Má Thị Di - nhân vật chính trong bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm và mẹ của em là chị Châu Thị Say. Hai mẹ con chị Say đều là người dân tộc H'Mông, hiện đang sống ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai).

Tại các vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, phụ nữ và trẻ em gái đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng. Trong đó, phải kể đến các hủ tục như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, hay vấn đề bạo lực gia đình, thiếu tiếp cận với giáo dục,...

Đơn cử những biến tướng của tục “bắt vợ” hiện nay trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ảnh hưởng khá nhiều tới quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái. Theo chia sẻ của những người tham gia toạ đàm, hiện nay, ở nhiều địa phương, tục “bắt vợ” đã được thực hiện tinh vi hơn. Cụ thể, thay vì tới nhà kéo đi, họ sẽ rủ nạn nhân đi chơi, đưa đón bằng ô tô và cứ thế chở thẳng về nhà mà không ai biết.

Bản thân em Má Thị Di cũng từng bị một người cố tình bắt về nhà làm vợ dù không được em đồng ý. Chính mẹ là người đã kéo Di lại và giải thoát cho em. Sau đó, chàng trai kia còn đến nhà Di nhiều lần, nhưng Di vẫn cương quyết không đi theo anh ta. “Đây là cuộc sống của em, nên một khi em đã chọn không đi theo người ta thì không ai có thể ép em được, dù theo cách nào đi chăng nữa”, Di chia sẻ.

Đưa trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số 'ra khỏi màn sương' ảnh 1

Em Má Thị Di (trái) và chị Châu Thị Say (giữa) chia sẻ tại toạ đàm "Ra khỏi màn sương". (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam).

Chị Châu Thị Say chia sẻ, để bảo vệ hạnh phúc và tương lai của con gái, chị đã trải qua những giây phút đấu tranh, giằng xé với chính mình để chọn một trong hai lựa chọn: tiếp tục tuân theo tục lệ xưa nay của dân tộc hoặc tôn trọng quyết định của con cái. Cuối cùng, chị vẫn đặt hạnh phúc của con lên hàng đầu.

Trong thời gian qua, cuộc sống của phụ nữ vùng cao cũng đã có những cải thiện tích cực. “Ở nơi em sống đã có nhiều phụ nữ dũng cảm đi ra ngoài trải nghiệm cuộc sống xã hội. Nhiều người đã làm hướng dẫn viên và tự mở homestay, có được thu nhập tốt. Một số người còn mở được các lớp dạy tiếng Anh”, em Má Thị Di nói.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang triển khai các dự án hỗ trợ tập trung vào 4 nội dung chính: thay đổi những định kiến, hành vi đã lạc hậu, không còn phù hợp như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, hôn nhân cận huyết; giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có tiềm lực kinh tế tốt hơn; xây dựng các mô hình câu lạc bộ cho người trẻ để tăng sự giao lưu, kết nối giữa các dân tộc; và triển khai giáo dục, tập huấn về bình đẳng giới cho cả nam và nữ.

Đưa trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số 'ra khỏi màn sương' ảnh 2
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm "Ra khỏi màn sương". (Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Tọa đàm “Ra khỏi màn sương” nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Dự án này cũng là 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong giai đoạn 1, từ năm 2021-2025, dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.