Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Làng An Truyền, còn gọi là làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang, TT-Huế) là một trong những địa danh nổi tiếng có tên trong cuốn “Làng văn vật TT-Huế”. Nơi đây hiện còn duy trì lễ Thu tế với nghi lễ cổ xưa, cùng những nét đẹp của văn hóa làng xã truyền thống.

Làng An Truyền nằm cách TP Huế khoảng 5km về phía đông. Đây là ngôi làng có lịch sử hình thành lâu đời và duy trì nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Làng có ngôi đình cùng tên được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1994.

Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 1

Từ rạng sáng, các nghi thức, lễ rước cung nghinh bài vị của các vị khai canh diễn ra trang trọng. Ảnh: Đình Hoàng

Lễ Thu tế làng An Truyền diễn ra vào trung tuần tháng 7 âm lịch. Vào ngày tế lễ, dân làng trong trang phục chỉnh tề long trọng cung nghinh bài vị của các vị khai canh từ miếu làng ở Đồng Miệu, sát đầm Chuồn, về tổ đình. Tại đây, nhiều nghi lễ cúng tế đã diễn ra trang nghiêm, tôn kính.

Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 2

Vào ngày tế lễ, ở mỗi đầu xóm của làng Chuồn đều dựng cổng tam quan, treo đèn kết hoa và bày biện hương án trang trọng. Ảnh: Đình Hoàng

Trên đường cung nghinh bài vị các vị khai canh, ở mỗi đầu xóm của làng Chuồn đều dựng cổng tam quan, treo đèn kết hoa và bày biện hương án trang trọng. Riêng trước đình làng An Truyền là hương án của 7 họ được thiết trí trang nghiêm.

Các vị cao niên của làng đứng trước hương án thành kính cúi lạy khi đoàn rước ngang qua. Đoàn rước tiến về đình làng An Truyền, hương án của 7 dòng họ được bố trí hai bên với sự trang trọng, ngưỡng vọng các bậc tiền nhân.

Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 3
Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 4
Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 5

Các nghi thức tế lễ. Ảnh: Đình Hoàng

Từ chiều 16/7 âm lịch, dân làng đi hành hương, dâng cúng lễ vật cho lễ tế. Con dân của làng ở xa trên mọi miền đất nước cũng về dự lễ Thu tế. Những ai không thể về dự có thể phát tâm gửi lễ vật hoặc tiền bạc để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, tình cảm đối với quê hương, làng xã.

Bắt đầu vào lúc 2 giờ sáng 17/7 âm lịch, dân làng háo hức cùng nhau tề tựu quanh đình làng An Truyền tham dự lễ tế. Trong sự tĩnh lặng của một ngày mới, tiếng trống, kèn và điệu hát Thài vang lên kỳ ảo, với những lời lẽ chí tình tha thiết báo đáp ơn đất trời, tiên tổ.

Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 6

Sau bài văn tế và 3 tuần rượu, người tư văn cắt một vuông thịt trên sườn bò để vào chiếc mâm đồng sáng loáng và trân trọng trao cho vị chánh tế, đây là lộc của thần, của tổ tiên tặng cho dân làng mà vị chánh tế là đại diện. Lộc này cũng tượng trưng cho lời chúc phúc được mùa, làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, ấm no hạnh phúc, mọi người an vui.

Khi mọi nghi thức cúng tế xong, bài văn tế sẽ được đốt ở trước tổ đình để biểu thị cho tấm lòng thành kính của người dân làng đang quyện theo mây gió, trầm hương về với người thân yêu đã khuất bóng. Trong không khí trang nghiêm, dân làng lặng im tưởng niệm...

Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 7
Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 8
Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng văn vật xứ Huế ảnh 9

Quang cảnh lễ rước cung nghinh bài vị của các vị khai canh của làng văn hóa An Truyền. Ảnh: Đình Hoàng

Lúc trời rạng sáng, khoảng từ 4 đến 5 giờ sáng 17/7 âm lịch, đám rước bắt đầu, dân làng trân trọng tiễn đưa "Tiên y thánh mẫu" và "Nhị vị tôn ông" về lại miếu làng ở vùng Đồng Miệu. Đám rước với đoàn người mặc áo thụng, áo dài ngũ thân, cờ phướn, lọng che nhiều sắc màu đi trên đường đê in bóng xuống mặt nước đầm Chuồn, tạo nên bức tranh quê hữu tình, độc đáo.

MỚI - NÓNG
Màn rước nữ tướng 12 tuổi ở khai Hội Gióng
Màn rước nữ tướng 12 tuổi ở khai Hội Gióng
TPO - Màn rước kiệu nữ tướng trẻ của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) thu hút sự quan tâm của người dân, du khách thập phương trong lễ khai Hội Gióng đền Sóc diễn ra sáng 27/1 (mùng 6 Tết Nguyên đán) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội).

Có thể bạn quan tâm

Trắng đêm ở cao nguyên Kon Hà Nừng

Trắng đêm ở cao nguyên Kon Hà Nừng

TP - Vượt gần 20 cây số đường rừng để vào lõi Cao nguyên Kon Hà Nừng (Kon Chư Răng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) chúng tôi dựng trại bên bờ thác K50, tách biệt chốn thành thị ồn ã. Bên ánh lửa ấm áp, nơi đây chỉ có tiếng suối reo và câu chuyện giữ rừng của người Ba Na.
Độc đáo Lễ hội Ná Nhèm

Độc đáo Lễ hội Ná Nhèm

TP - Mặc cho mưa rét, ngày 15 tháng Giêng vừa qua, gần chục nghìn lượt người đến với hội Ná Nhèm- một lễ hội xuân truyền thống có từ 300 năm của người dân tộc Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.