Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cánh đồng chum độc nhất vô nhị ở cao nguyên Xiêng Khoảng là nơi thu hút nhiều du khách bậc nhất ở Lào. Các nhà khảo cổ xác định đây là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất Đông Nam Á, còn UNESCO công nhận đây là 1 trong 3 di sản thế giới ở Lào.
Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 1

Du khách tham quan Cánh đồng chum

Ông Khamteum Soutthideth, cựu chiến binh Lào cho biết cao nguyên Xiêng Khoảng có hàng ngàn chum đá cổ khổng lồ phân bổ tại 52 địa điểm.

Theo sự chỉ dẫn của ông, chúng tôi đến Cánh đồng chum ở bản Hảy Hỉn, nơi có 334 cái chum cổ “nằm”, “ngồi” trong nhiều tư thế khác nhau giữa đồng cỏ xanh mượt rộng tới 25ha, thách thức nắng mưa. Trên một số chiếc chum có khắc chạm hình người, động vật…

Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 2

Chum đá cổ ở bản Hảy Hỉn

Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 3

Hình đứa bé được chạm khắc trên chum

Các chum này được chế tác từ đá cứng tự nhiên liền khối; đa phần là granite, số còn lại là sa thạch, đá tổ ong.... Hình dạng và kích cỡ chum rất khác nhau, chẳng cái nào giống cái nào (vuông, tròn hoặc hình trụ); khối lượng và kích thước lớn chưa từng có. Chiều cao và đường kính từ 1 – 3m, đa phần nặng trên một tấn, đặc biệt chum lớn nhất nặng tới 6 tấn.

Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 4

Chiếc chum khổng lồ

Một số du khách công kênh nhau, tay bám vào thành chum sần sùi để có thể quan sát phía trong lòng chum.

Cạnh mỗi chiếc chum thường có phiến đá lớn với kích thước tương đương nhau, có lẽ là nắp đậy chum; nhưng vì lý do nào đó, chúng đã bị loại bỏ hay dùng vào mục đích khác. Hiện chỉ còn một chiếc chum duy nhất được đậy nắp.

Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 5

Chiếc chum duy nhất vẫn còn nắp đậy

Theo chân người hướng dẫn, chúng tôi đến hang Thăm Hảy. Lòng hang có hình cái chum úp ngược khổng lồ cao gần 20m; hai lỗ thông hơi hình tròn trên vòm hang có lẽ là hai ống khói của lò hỏa thiêu. Trong hang có am thờ mà theo lời đồn là rất linh thiêng.

Nữ tiến sĩ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani (mất năm 1943) cùng các cộng sự đã phát hiện cái hang này, khai quật được các hài cốt, bao gồm cả xương và tro bị đốt. Là người nghiên cứu toàn diện nhất về Cánh đồng chum, bà nhận định đây là lò thiêu xác vào thời Đồng Thau: Thi hài được hỏa táng trong hang rồi bỏ tro cốt vào chum đá.

Bà cũng đã công bố khám phá về các chuỗi hạt, vòng đeo tay và nhiều cổ vật khác xung quanh những chiếc chum; bên trong một số chum có những mảnh xương vỡ và răng bị cháy.

Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 6

Bên trong hang Thăm Hảy

Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 7

Hang Thăm Hảy nhìn từ bên ngoài

Từ đó đến nay, nhiều nhà khảo cổ khác cũng xác định đây là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất Đông Nam Á. Những chiếc chum được đặt ở vị trí sớm nhất là vào khoảng năm 1240 đến năm 660 trước Công nguyên.

“Bao cuộc chiến tàn khốc đã hủy hoại nhiều khu phố, chùa chiền; ngay các khu vực có sự hiện diện của chum đá cũng chi chít hố bom. Thế nhưng kỳ lạ thay các chum đá như là vật linh thiêng không hề bị xâm hại bởi mưa bom bão đạn. Về những chiếc chum bị vỡ trên cánh đồng, các già làng đoan chắc rằng do dấu tích xa xưa để lại chứ không phải bom đạn chiến tranh gây nên” – ông Khamteum quả quyết.

Chuyện kỳ bí ở di sản thế giới Cánh đồng chum ảnh 8

Trên Cánh đồng chum có hàng chục hố bom thế này nhưng không làm vỡ chiếc chum nào

Hiện các nhà khảo cổ tiếp tục nghiên cứu giải mã những bí ẩn của một nền văn hoá, một thế giới tâm linh để xác định gần 2.000 chiếc chum cổ nói trên do ai đục đẽo, vào thời kỳ nào và với mục đích gì?

MỚI - NÓNG
An hòa sắc màu mùa Phật đản xứ Huế
An hòa sắc màu mùa Phật đản xứ Huế
TPO - Một mùa Phật đản lại về trên đất Huế, với muôn sắc màu trang trí an hòa, nếp sinh hoạt bình yên, chậm rãi, lắng sâu trên những con đường, dòng sông, ngôi nhà dân hay trong nhiều tự viện, tổ đình, ngôi chùa xưa cổ.

Có thể bạn quan tâm

Thăm ngôi nhà từng đón Bác Hồ ở và làm việc được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia

Thăm ngôi nhà từng đón Bác Hồ ở và làm việc được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia

TPO - Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An có địa chỉ tại ngõ 319 đường An Dương Vương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), nằm ngay bên đê sông Hồng là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho Ngày Quốc Khánh 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.