Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, trong những năm qua, ngoài chính sách chung của cả nước, địa phương đã cân đối, tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch giao chỉ tiêu xóa 1.000 hộ nghèo DTTS.
Tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên triển khai, thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS nhằm phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Nhờ đó, số xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giảm mạnh. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 9 xã Khu vực III, 51 thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên đến nay, Bình Phước chỉ còn 5 xã Khu vực III. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2018 lên mức 34,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, công tác giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo là đồng bào DTTS trong đó có người Khmer đã được chú trọng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Qua 4 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS (2019 - 2022), toàn tỉnh giảm 5.198 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS).
Riêng vào năm 2022, do áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025, số hộ nghèo DTTS có tăng lên 2.820 hộ, chiếm tỷ lệ 57,91% trong tổng số hộ nghèo (4.870 hộ nghèo). Tuy nhiên, ngay trong năm 2022, địa phương đã giảm được 1.166 hộ nghèo DTTS, đạt 115% so với kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh (bìa phải) tặng quà cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn |
Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh khẳng định, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công tác đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ học tập, giảng dạy được quan tâm thực hiện. Các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh dân tộc Khmer có điều kiện được đến trường, như: hỗ trợ học bổng, tiền, gạo, miễn giảm học phí; chính sách thu hút đối với giáo viên, cán bộ giáo dục công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đồng bào được thực hiện hiệu quả.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS nói chung, trong đó có dân tộc Khmer luôn được Bình Phước quan tâm thực hiện tốt. Toàn tỉnh hiện có 90/25.426 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 0,353% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh (cấp tỉnh là 0,75%, cấp huyện là 0,2%, cấp xã là 0,42%); có 35 người được đưa vào diện quy hoạch cán bộ.
UBND tỉnh Bình Phước đã giao Ủy ban Dân tộc tỉnh tiếp tục hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác dân tộc các cấp. Các ngành; mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân tộc đối với đồng bào Khmer; tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ cho già làng và người uy tín tiêu biểu các dân tộc ở cụm hoặc vùng.