Chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn được quan tâm, với nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ trợ, đầu tư phát triển. Theo thống kê sơ bộ của Uỷ ban Dân tộc, đến hết năm 2022 có 188 chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đang còn hiệu lực, trong đó có 136 chính sách dân tộc.
Theo lĩnh vực kinh tế - xã hội có 52 chính sách thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững; 25 chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; 9 chính sách thuộc lĩnh vực y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; 9 chính sách thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch; 3 chính sách thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh…
Theo phạm vi đối tượng chính sách có 38 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN; 98 chính sách có nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS&MN…
Bên cạnh các chính sách của Trung ương, các tỉnh vùng DTTS&MN sử dụng ngân sách địa phương ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.
Hệ thống chính sách dân tộc hiện hành đã cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc; cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh tại vùng DTTS&MN.
Nhiều chính sách có mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh 2 CTMTQG Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, lần đầu tiên ở Việt Nam có CTMTQG dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi đây là quyết sách lớn nhằm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng này.
Cơ chế chính sách có nhiều đổi mới theo hướng đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên tập trung đầu tư, hỗ trợ các địa bàn khó khăn nhất, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết nhất, chú trọng phát triển các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm của vùng DTTS&MN; cơ chế kiểm tra, giám sát có sự tham gia của người dân.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội
Theo đánh giá của Uỷ ban Dân tộc, sự phối hợp giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ngày càng chặt chẽ. Quốc hội, Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN ở Việt Nam hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo đó, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ vẫn là văn bản pháp lý cao nhất về công tác dân tộc, hiện chưa có Luật Dân tộc điều tiết các quan hệ dân tộc, vùng DTTS&MN.
Hệ thống lý luận, một số khái niệm cơ bản liên quan đến công tác dân tộc như khái niệm chính sách dân tộc, vùng DTTS&MN, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn... vẫn còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa chính xác, ảnh hưởng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và các báo cáo cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp liên quan đến công tác dân tộc…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ theo Kết luận 65 của Bộ Chính trị.
Trong đó, cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN, coi trọng phát triển liên kết vùng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS; tập trung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS.
Tăng cường hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS; phát triển nguồn nhân lực DTTS, vùng đồng bào DTTS&MN; đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN...