Vu Lan online

0:00 / 0:00
0:00
Lễ vu lan được thực hiện qua video call
Lễ vu lan được thực hiện qua video call
TP - Vì dịch bệnh, mọi hoạt động đều phải chuyển thành online, kể cả lễ báo hiếu Vu Lan.

Từ đầu tháng Bảy âm lịch tôi đã nghe chị bạn than vãn: còn hơn tuần nữa mới Rằm mà dịch vụ viếng mộ online đã tăng giá hai lần rồi. Thế là nguyên một tuần sau đó, ngày nào chị cũng xấc bấc xang bang lo đàm phán, “chốt đơn” với bên dịch vụ. Hôm lễ viếng thực hiện xong, chị thở ra một hơi rồi cảm thán: Kể cũng hơi hình thức nhưng không làm thì áy náy!

Chắc nhiều người cũng áy náy giống chị, bằng chứng là các báo đồng loạt đưa tin, dịch vụ viếng mộ online năm nay tăng đến bốn, năm trăm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi xem qua clip thì thấy: Hai ba nhân viên nghĩa trang bày hoa quả cỗ bàn trước mộ, dập đầu thắp hương rồi livestream cho người nhà xem trực tiếp. Thấy bảo dịch vụ không rẻ.

Cũng không biết “người dưới kia” có cảm nhận được cái tình cách không của con cháu không, nhưng thấy ai làm xong cũng comment yên tâm, hỉ hả. Nói theo cách của Mạnh Tử: thôi thì “ngộ biến tòng quyền” (tùy hoàn cảnh mà xử sự cho thích hợp, không cần chấp nhất), chắc ông bà cha mẹ cũng chẳng trách.

Chuyện này khiến tôi nhớ đến hai người quen đã mất trước đó.

Một là giảng viên đại học, phát hiện ung thư năm 40 tuổi. Trước khi mất, anh dặn vợ: Khi anh đi, em đăng ký thiêu cho anh, xong đem tro cốt rải ra sông Hồng, đừng chôn cất, lập bia gì cả. Anh không muốn sau này em với con cứ mỗi năm lại phải canh cánh lo đi thăm mộ. Rồi sau hai năm, em tìm một người tử tế mà lấy, tuyệt đối đừng ở vậy, phụ nữ một thân một mình khổ lắm!

Người thứ hai, là bác cả tôi. Trong di chúc của bác có đoạn: Sau khi bà mất, con cháu đừng làm cỗ, tro đem rải sông. Đến ngày giỗ bà, ngoài vườn có hoa gì hái ba bông với cốc nước trắng thắp cho bà nén hương là được. Làm cỗ to bà cũng không về đâu. Cũng đừng khóc lóc thương tâm làm gì, để bà yên tâm đi đầu thai. Kiếp sau có duyên, sẽ lại là người một nhà!

Khỏi phải nói, đoạn di chúc “tùy tiện” ấy đã khiến gia đình tôi nháo nhào một phen. Nhưng bởi vì từ lúc còn sống, bác tôi đã không thích làm phiền ai và được (bị) đám con cháu trộm gọi là “bà già điên” (khi phát hiện ra, bác không những không giận mà còn hớn hở lấy nó làm đại từ xưng hô luôn), cho nên mọi người cũng chỉ sốc một thời gian rồi thôi.

Hàng năm, đến ngày giỗ bác, mấy anh chị em chúng tôi cũng vẫn tụ lại một bữa, có khi gặp nhau ở nhà hàng, tuyệt đối tuân thủ lời bác dặn, không làm cỗ cúng, đương nhiên cũng không có đoạn viếng mộ, cả bữa ăn chỉ toàn nói chuyện “bà già điên”. Những câu chuyện được nói năm này qua năm khác nhiều đến mức ngay cả đám trẻ sáu bảy tuổi, những đứa sinh ra “bà trẻ” đã mất rồi, cũng đã có thể kể không sai chi tiết nào.

Vu Lan báo hiếu vốn xuất phát từ một câu chuyện của đạo Phật. Hàng năm, cứ đến cữ này là người ta lại bàn đi tán lại về cách ứng xử với người đã mất như thế nào, cúng thế nào cho đúng, làm cỗ chay hay mặn, có nên đốt vàng mã hay không???

Năm trước, tôi có dịp được nghe sư ông Thích Viên Minh (trụ trì chùa Bửu Long) giảng pháp thì được biết:

Cách đúng nhất để báo hiếu cha mẹ đã mất trong lễ Vu Lan là làm phước hay còn gọi là hồi hướng công đức. Theo lời Phật dạy, nếu con cháu phát tâm làm những việc thiện lành rồi đem phước đức ấy hồi hướng cho người thân đã mất thì dù họ có theo nghiệp mà tái sinh vào đâu cũng đều hưởng được phần phước đức ấy. Sư ông cũng nói rằng, tục cúng lễ thực ra theo Phật giáo là sai. Cúng có ai ăn được đâu.

Chưa kể có người còn bày ra cúng xe, cúng tiền vàng, điện thoại, rồi cha mẹ đã mất ở ngoài Bắc, con cái trong Nam muốn mời vào cúng giỗ thì đốt cả vé máy bay... “Đó toàn là ý nghĩ của người trần, nó không có ý nghĩa gì với người đã mất cả”. Thay vì lấy tiền mua vàng mã đốt đi, nên dùng để làm phước: giúp đỡ người nghèo, xây trường, làm đường, xây bệnh viện... tốt biết mấy!

Bởi vì COVID-19, năm nay giỗ bác chúng tôi không thể “tụ một bữa” như mọi năm. Anh cả là dân IT có sáng kiến lập một phần mềm dạng nhật ký mở, phát cho mỗi người một mã ID để vào đấy kể, vẽ, làm postcard gì đó cũng được... những chuyện về “bà già điên”.

Vài năm đầu sau khi bác cả tôi mất, hàng xóm vẫn có người lắc đầu vì cái cách chúng tôi “mù quáng” làm theo di chúc của bà: không cúng giỗ, không làm cỗ, không mộ phần... Đến hơn mười năm sau, thấy chúng tôi vẫn nhắc đến bác tôi theo cái cách như khi bà còn sống, một người trong số họ bảo: cũng vẫn là tưởng nhớ người đã mất thôi, chúng mày làm thế có khi bà ấy lại vui! Tôi không biết bác tôi có vui không, nhưng nếu thực có kiếp sau, tôi mong bà quên hết chuyện cũ, chẳng cần bận tâm “phù hộ” cho đứa nào, vui vẻ đi đầu thai. Chuyện nhớ nhung, để chúng tôi làm là được rồi!

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.