Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ thường xuyên chủ động kết hợp các hoạt động tham quan với hành quân về nguồn, tri ân… nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử và cũng là nguyện vọng của các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. |
Địa đạo Phú Thọ Hoà tái hiện bên trong bảo tàng giúp du khách hình dung rõ hơn về xã Phú Thọ Hòa xưa - vùng chuyển tiếp giữa ngoại thành và nội thành mà hàng trăm năm qua là vùng đất quân sự có nhiều chiến lũy phòng thủ chống quân xâm lược như: Lũy Ông Dầm, Lũy Bán Bích, Lũy Chí Hòa,… |
Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ tiền thân là Ban bảo tàng, được thành lập vào đầu tháng 2/1988. Bảo tàng có tổng diện tích 22.000 m2 trưng bày nhiều chuyên đề về lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng các bộ sưu tập với hơn 16 vạn hiện vật. |
Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947 tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận, nay tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM). |
Xưa kia, nơi đây là vùng đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình, địa vật phức tạp... nên được chọn để quân dân triển khai đào địa đạo chống kẻ thù ngay giữa lòng thành phố. |
Du khách thắp hương, dành một phút mặc niệm trước những bia đá ghi tên những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. |
Bên trong bảo tàng có một không gian trưng bày điện ảnh quân đội. |
"Tôi ngày xưa là phóng viên chiến trường. Tôi may mắn được theo Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9), Trung đoàn 3 đánh ở Chơn Thành, đánh vào Sài Gòn năm 1968. Năm 1975, tôi từ hướng Long Khánh (Biên Hoà) vào Sài Gòn để ghi nhận hình ảnh thành phố vừa được giải phóng. Khi về tới ngã tư Bình Triệu, tôi quay được một trung đoàn thiết giáp địch đầu hàng. 17h ngày 30/4/1975 lịch sử, tôi theo đoàn quân tiếp quản Đài Truyền hình TPHCM và Trung tâm Phim Điện ảnh quốc gia", ông Nguyễn Minh Trí, nhân chứng sống, hiện đang là Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, xúc động kể. |
Du khách được giới thiệu về một thời kỳ vàng son của điện ảnh quân đội. |
Hình ảnh tác nghiệp của phóng viên chiến trường. |
Sau khi tham quan bảo tàng, du khách di chuyển khoảng 5 phút để đến với không gian làm nến thơm, một trong những nét mới của sản phẩm du lịch quận Tân Bình. |
"Tài nguyên du lịch chỉ mãi là tài nguyên nếu như chúng ta không đầu tư, khai thác, trùng tu, quản lý và kết nối thành các tour tuyến, sản phẩm du lịch. Trên cơ sở 366 tài nguyên du lịch đã được công bố, trong giai đoạn phục hồi du lịch theo thống kê đến nay, TPHCM có hơn 30 chương trình, sản phẩm du lịch nội đô đang được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đưa vào khai thác kích cầu và gần 20 chương trình du lịch mới đang khảo sát. Bên cạnh đó, hàng chục điểm tham quan, sản phẩm du lịch về đêm đang được ngành du lịch và các đơn vị, sở, ban ngành liên quan tập trung đầu tư, tôn tạo, hoàn chỉnh đề án xây dựng kết nối tour, tuyến. Đây cũng là hoạt động triển khai chiến lược xây dựng mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước trong giai đoạn bình thường mới", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM chia sẻ. |
Tiếp đó, đoàn du khách viếng thăm Tổ đình Giác Lâm. Nơi đây còn có các tên gọi khác là Cẩm Sơn tự, Sơn Can tự hay Cẩm Đệm tự. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TPHCM và là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam. Chùa tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân (phường 10, Quận Tân Bình) và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1988. |
Chùa do cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu, chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. |
Trong chính điện Tổ đình Giác Lâm tôn trí “tiền Phật, hậu Tổ”. Phía trước chính điện thờ tượng Phật A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc. Hai bàn thờ hai bên phải trái thờ tượng Quan Thế Âm, Đại Thế Chí. Ngoài ra, chùa còn có tượng Cửu Long, dọc hai bên tường có bộ tượng Thập Bát La Hán, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và tượng Long Vương. |
Chính điện Tổ đình Giác Lâm với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Bên trong điện khá rộng và sâu, có 56 cột to hơn vòng tay người ôm màu nâu sẫm. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, thiếp vàng công phu. Giữa các hàng cột là các cửa võng, cũng được thiếp vàng, chạm trổ và trang trí kiểu truyền thống như tứ linh, tứ quý, hoa điểu.... |
Trong chùa có 113 pho tượng cổ, hầu hết là tượng gỗ. Trên các cột chính của chùa đều có khắc câu đối (gồm 86 câu) thếp vàng công phu. Đáng chú ý có câu đối của Hiệp trấn Trịnh Hoài Đức (treo ở gian thờ Tổ) và câu đối của Mộc Ân đệ tử phụng cúng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Ngoài ra nơi đây còn có 9 bao lam, 19 hoành phi, một bàn thờ cổ và đồ thờ cổ. |