Khám phá nét cổ kính pha hiện đại ở trung tâm TPHCM
TPO - Với tour đi bộ “Từ Sài Gòn xưa đến TPHCM nay”, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nét cổ kính đan xen hiện đại ở trung tâm thành phố qua hành trình: Bảo tàng Mỹ Thuật - Toà tháp Bitexco - Sài Gòn Skydeck - Phố đi bộ Nguyễn Huệ - UBND TP HCM - Nhà hát Thành phố - Khách sạn Caravelle - Khách sạn Continental Palace…
Điểm đến đầu tiên chính là bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM (đường Phó Đức Chính, quận 1). Bảo tàng là tòa biệt thự 99 cửa do con cháu ông Hứa Bổn Hòa (chú Hỏa) xây dựng. Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu của thế kỷ XX, chú Hỏa (1845-1901) nổi lên như một thương gia tài giỏi và giàu có bậc nhất đất Sài Gòn, ông được dân gian tôn vinh là một trong tứ đại hào phú: "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa".
Thang máy lắp trong bảo tàng cũng là chiếc thang máy đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn.
Không gian trưng bày của bảo tàng.
Điểm đến tiếp theo trong hành trình là Toà tháp Bitexco. Trong ảnh: Du khách khai báo y tế tại sảnh toà nhà Bitexco.
Từ toà tháp này, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thành phố.
Tại đây có một bảo tàng áo dài giúp du khách hiểu hơn về quá trình phát triển của áo dài Việt Nam.
Từ toà tháp Bitexco, du khách mất chưa đầy 5 phút là có thể đến phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670m, rộng 64m với toàn bộ khu vực quảng trường đều được lát đá granite hiện đại và sạch sẽ. Dọc con phố là những hàng cây xanh mát, 2 đài phun nước lớn, phía bên dưới là hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng và nhà vệ sinh hiện đại.
Từ phố đi bộ Nguyễn Huệ, du khách có thể vòng qua công viên Lam Sơn, nghe giới thiệu về tuyến ga tàu Metro và Nhà hát Thành phố.
Ngay cạnh Nhà hát Thành phố, du khách có thể băng qua tuyến đường Đồng Khởi để vào tham quan khách sạn "Đại lục lữ quán" cổ nhất Sài thành. Khách sạn Continental được Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng người Pháp, xây dựng vào năm 1878, hoàn thành vào năm 1880.
Khách sạn từng tiếp đón nhiều người nổi tiếng như đại văn hào Pháp André Malraux, nhà văn Anh Graham Greene - tác giả của Người Mỹ trầm lặng, nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore, người đạt Giải Nobel văn chương 1913.
Căn phòng 307 của khách sạn Continental từng là văn phòng của Tạp chí Time và cũng từng là nơi Thiếu tướng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Xuân Ẩn làm việc. Tại đây, từ năm 1960 - 1975, với vai trò là một phóng viên chi nhánh Hãng thông tấn Reuters và sau đó là của Tuần báo Time tại Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn đã thu thập một lượng lớn thông tin tình báo có giá trị đặc biệt quan trọng nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong ảnh: Bảng đồng để tưởng niệm nơi Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn từng làm nghề báo và hoạt động tình báo trước năm 1975. Tấm bảng đồng này được đặt tại sảnh chính và tại căn phòng 307, lầu 2 của khách sạn Continental.
Căn phòng nơi nhà văn Graham Greene - tác giả của Người Mỹ trầm lặng từng lưu trú. Hiện căn phòng vẫn còn giữ nguyên bản kiến trúc với hai cột giữa phòng.
Cuối chương trình tham quan, du khách sẽ được các nhân viên trong trang phục Sài Gòn xưa phục vụ các món ăn.
Chìm trong những làn điệu nhạc cụ truyền thống dân tộc và phóng tầm mắt qua cửa sổ ngắm nhìn dòng xe qua lại ở trung tâm TPHCM.