Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, khiến cho nghề đan lát truyền thống đang dần bị mai một. Các vật dụng truyền thống được làm từ mây, tre hiện nay trở nên khan hiếm, các nghệ nhân đan lát ngày một già yếu, ít đi khiến nguy cơ thất truyền nghề thủ công truyền thống ngày càng rõ rệt.
Cụ Vành (đeo kính ngồi giữa) truyền nghề đan lát cho thế hệ sau |
Bà Bàn Thị Sỉnh, người dân tộc Dao Đỏ ở thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn cho biết: “Được bố, mẹ truyền dạy từ thủa lên chín, lên mười, đến nay đã có hơn 60 năm trong nghề, các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp như: Rổ, rá, sọt đựng cá, gùi đựng lúa, ngô... tôi đều đan được để phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của gia đình. Trong đó có chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người Dao Đỏ chúng tôi”.
Không chỉ tự mình đan lát các vật dụng, bà Sỉnh còn thường xuyên truyền dạy cho con, cháu trong nhà biết và đan được các vật dụng. Theo bà Sỉnh việc truyền dạy cho thế hệ trẻ không chỉ để lưu giữ nét đẹp truyền thống có tự lâu đời mà thông qua đó còn muốn giáo dục cho con, cháu đức tính cần cù, chịu khó, tương thân, tương ái của người dân tộc nơi đây.
Với mục đích bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển ngành nghề ở nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Đồn và Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn đã phối hợp mở lớp truyền nghề đan lát thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi không quản đường sá xa xôi đã đến và say sưa truyền nghề; lớp học đa dạng thu hút nhiều lứa tuổi từ thanh niên, trẻ nhỏ và có trên 40 chị em là hội viên hội phụ nữ các xã tham gia.
Cụ Nông Thị Vành, 92 tuổi, trú tại thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn hàng ngày vẫn tự tay chẻ lạt và khéo léo đan những sản phẩm thủ công truyền thống tham gia chương trình truyền nghề cho cộng đồng.
“Để những người đan lát thêm gắn bó với nghề, cũng như để các làng nghề truyền thống của đồng bào phát triển ổn định và bền vững, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, qua đó vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc”, cụ Vành chia sẻ.
Chị Hà Thị Tuyết, phó trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Đồn cho biết: “Nghề đan lát không đem lại giá trị kinh tế cao mà người nghệ nhân chỉ vì muốn giữ lại nét văn hóa của tổ tiên, tránh mai một. Chính vì thu nhập bấp bênh, công đoạn thủ công và thời gian hoàn thành một sản phẩm khá lâu nên số người theo nghề đan lát giờ đây rất ít.
Những nghệ nhân đan lát truyền thống ở địa phương phần lớn tuổi đã cao, không còn nhanh nhẹn nên việc tổ chức mở những lớp dạy đan lát cho dân làng là việc làm cần thiết, trong tương lai chúng tôi sẽ mở thêm nhiều lớp học để truyền nghề cho thế hệ mai sau”.