Ngày 10/10, tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới diễn ra trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới”, do Bảo tàng Lịch sử TT-Huế phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin A Lưới tổ chức.
Ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TT-Huế, phát biểu khai mạc trưng bày chuyên đề. |
Trưng bày chuyên đề giới thiệu đến người dân, công chúng, học sinh trên địa bàn hơn 200 hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, tập trung vào 3 chủ đề: Thiên nhiên và con người huyện A Lưới; Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới.
Đoàn viên, thanh niên, học sinh vùng cao A Lưới được nghe giới thiệu về di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất mình đang sinh sống, học tập. |
Theo ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TT-Huế, trưng bày chuyên đề tổ chức tại huyện vùng cao A Lưới góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa, đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, canh tác, lễ hội, kiến trúc, trang phục truyền thống… của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó là những hình ảnh tư liệu về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của huyện A Lưới. Trưng bày diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10.
Bàn giao nhiều trang thiết bị về thông tin văn hóa cho các xã, thị trấn của huyện A Lưới. |
Cùng với trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Lịch sử TT-Huế còn phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin A Lưới tổ chức bàn giao nhiều trang thiết bị về thông tin văn hóa phục vụ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cho các xã trên địa bàn huyện, bao gồm tủ sách cộng đồng, thiết bị âm thanh…
Dịp này, tại hội trường Huyện ủy A Lưới, Bảo tàng Lịch sử TT-Huế đã tổ chức khai mạc lớp tập huấn du lịch “Quảng bá di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” cho gần 100 học viên là cán bộ văn hóa cơ sở, đại diện các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện A Lưới.
Trình diễn nghề thủ công đan lát của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Tại lớp tập huấn, các học viên được cung cấp, cập nhật những kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch văn hóa, khai thác các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trong hoạt động du lịch, phương pháp xây dựng sản phẩm du lịch…
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TT-Huế Nguyễn Đức Lộc cho biết, lớp tập huấn lần này giúp các học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đó, khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa trong hoạt động du lịch, góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, hấp dẫn để thu hút du khách; tạo việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương.
Hình ảnh về trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới:
A Lưới là huyện miền núi phía tây tỉnh TT-Huế, nằm trên trục đường Hồ Chí Minh lịch sử chạy qua địa phận 14 xã, thị trấn của huyện. Đây là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Cô…
A Lưới còn được nhắc đến như là một vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Đặc biệt là các lễ hội truyền thống văn hóa, trong đó đậm nét nhất là lễ hội A Riêu Ping của người Pa Cô và lễ Aza. Các điệu múa, hát cha chấp, dân ca cổ, cồng chiêng, khèn và cùng các món ăn đặc sản truyền thống như cơm nếp nương, bánh nếp a coác, rượu đoác, rượu cần, cá suối… tạo nên sự đa dạng, phong phú của di sản văn hóa đặc sắc nơi đây; làm cho A Lưới càng trở nên hấp dẫn để có thể khai thác, phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng… Cách trung tâm huyện A Lưới 30 km là những cánh rừng nguyên sinh và suối nước nóng. Đây là khu rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn, diện tích khoảng 3.000 ha kéo dài từ A Lưới đến tỉnh Quảng Nam, với nhiều thác cao, vực sâu, tạo ưu thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái.