Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo “Tham vấn, đánh giá tình hình thực hiện một số chính sách giáo dục trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, chiều 15/9, tại Nhà Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc cho biết, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vừa bảo đảm nhiệm vụ chuyên môn vừa phòng, chống dịch, từ giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học đến giáo dục thường xuyên.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm. Ảnh QH |
Các nhiệm vụ dạy học, giáo dục chính trị; công tác kiểm tra, đánh giá; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng đã được các địa phương, cơ sở giáo dục quán triệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh tại từng địa phương.
Nhờ đó, công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được phát triển cả quy mô, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thống kê cho thấy, so với năm học 2019 – 2020, năm học 2021 - 2022 số lượng học sinh dân tộc thiểu số bậc phổ thông đều tăng ở các cấp học.
Cụ thể, học sinh tiểu học là 1.628.141 (17,67%), tăng 85.386; học sinh THCS là 999.780 (16,86%), tăng 83.577; học sinh THPT là 348.776 (12,53%), tăng 24.466.
Tính trên toàn quốc hiện có 318 trường Phổ thông dân tộc nội trú, với quy mô 101.918 học sinh; 1.139 trường Phổ thông Dân tộc bán trú với quy mô 245.080 học sinh; 2.176 trường phổ thông có học sinh được hưởng chế độ bán trú với quy mô 213.199 học sinh; 4 trường dự bị đại học và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có dạy học hệ dự bị đại học, với quy mô khoảng 3.000 học sinh dự bị/năm.
Tại hội thảo, các ý kiến đều ghi nhận kết quả quan trọng của việc triển khai thực hiện chính sách giáo dục dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các đại biểu đánh giá, các chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng, Nhà nước được các địa phương thực hiện có hiệu quả. Qua đó, giúp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những bước phát triển nhanh như: mở rộng quy mô trường lớp, đảm bảo cho tất cả trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường và hoàn thành cấp học; chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện và nâng cao.
Cũng tại hội thảo, các ý kiến thống nhất cao về một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện. Điển hình như việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách hỗ trợ cho trẻ em mẫu giáo, học sinh, học viên còn chậm, chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; giáo dục về công tác dân số, sức khỏe, sinh sản, bình đẳng giới và giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số chưa đầy đủ, sâu sắc.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường chưa được quan tâm đúng mức; biên chế giáo viên cho các tỉnh khó khăn là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập.
Các đại biểu đề nghị, đối với những tỉnh khó khăn, nên có thêm biên chế giáo dục và không áp dụng tinh giản biên chế, cào bằng như các khu vực khác.
Kết luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc sẽ tổng hợp các kiến nghị, nghiên cứu, khuyến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan.