Theo đó, hai di tích lịch sử cấp Quốc gia vừa được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận là Đình Hưng Học (phường Nam Hòa) và di tích Hồ Mạch (phường Yên Hải), thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là các di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử phát triển của vùng đất Quảng Yên.
Bên cạnh đó, lễ hội Bạch Đằng của thị xã Quảng Yên cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Bạch Đằng (còn được gọi là ngày giỗ trận Bạch Đằng) được tổ chức vào ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 (âm lịch) hàng năm nhằm tri ân công lao, tưởng nhớ các vị anh hùng trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược với những chiến thắng vang dội trên dòng Bạch Đằng giang lịch sử. Không gian lễ hội diễn ra tại quần thể khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng với các điểm chính là đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang...
Lễ hội Bạch Đằng
Mọi hoạt động của lễ hội đều gắn liền với Bạch Đằng giang, con sông huyền thoại đã ba lần chứng kiến những trận đại chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Theo các thư tịch cổ, sông Bạch Đằng có hệ thống núi non hiểm trở, có nhiều hang động và rừng rậm, đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ. Nơi đây đã đi vào lịch sử với 3 lần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Hội Bạch Đằng tập trung tái hiện trận chiến qua các trò diễn dân gian, các trò chơi như bơi thuyền chải, vật truyền thống, kéo co, cờ người, đánh đu, chọi gà,... Giữa mênh mông sóng nước, những người dân chài hăng say bơi mái chèo, tiếng hò reo cổ vũ vang động cả dòng sông. Những ngày này, mọi hoạt động đều dường như lắng lại, chỉ còn sự thành kính thiêng liêng, vang vọng lại không khí sử thi hào hùng của chiến thắng năm xưa.
Lễ hội được tổ chức nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.