Sự kiện do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và Sưu tập An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) tổ chức nhằm mang đến cho công chúng bức tranh toàn cảnh về gốm Việt Nam ở 4 giai đoạn: Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên; thế kỷ 11-14; từ thế kỷ 15 – 17 và gốm Bát Tràng thế kỷ 18 – 19.
Trưng bày chuyên đề “Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ bộ sưu tập An Biên” nhằm tôn vinh gốm sứ nước nhà nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Những đồ gốm sứ được trưng bày đều là những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc, đại diện cho các thời đại, thời kỳ. Thông qua các hiện vật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu tiến trình lịch sử gốm sứ Việt Nam đã có từ rất lâu đời với nhiều bước phát triển, gắn liền với các giai đoạn lịch sử, văn hóa nước ta.
Trưng bày giới thiệu đến công chúng gần 80 hiện vật, trong đó có 58 hiện vật thuộc Bộ sưu tập An Biên và 22 hiện vật của Bảo tàng.
Ban Tổ chức đã chia 4 chủ đề để giới thiệu đến công chúng đầy đủ các dòng men cũng như kỹ thuật, công nghệ sản xuất gốm sứ Việt Nam chứ không tập trung giới thiệu những hiện vật đơn thuần theo cách nhìn cổ vật với giá trị đắt tiền, to lớn, gây kinh ngạc...
Trong bộ sưu tập có 9 hiện vật gốm thời Lý là men trắng, kích thước không lớn, cao 24-25 cm, như ấm men trắng cánh độc sắc khắc cánh sen có thể nói là cực kỳ đặc biệt, hiếm có. Thời Lý chuộng gốm men trắng, ưa chuộng sự giản dị, thanh cao. Đây là bộ sưu tập đặc sắc mà Hội Di sản văn hóa Việt Nam và các chuyên gia đã giúp sưu tập, thành lập bộ hồ sơ, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Trưng bày "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt- Nhìn từ bộ sưu tập An Biên" sẽ diễn ra từ ngày 19/11/2021 đến tháng 4/2022 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).