Ngày 5/12, Giáo hoàng Francis đến thăm trại Mavrovouni, nơi đang giữ 2.300 người di cư. Đây là một trong những lối chính mà người di cư chọn để vào châu Âu. Giáo hoàng từng thăm đảo này một lần vào năm 2016 và đưa 12 người tị nạn Syria về Ý cùng ông. Giáo hoàng nói rằng tình hình từ đó đến nay “ít thay đổi”.
Địa Trung Hải, nơi đã có hàng ngàn người bỏ mạng trên hành trình từ Bắc Phi đến châu Âu, vẫn là “một nghĩa trang nghiệt ngã không bia mộ”, ông nói.
“Chúng ta hãy dừng tình trạng đắm tàu của văn minh này!” Giáo hoàng kêu gọi.
“Rất dễ để khuấy động dư luận bằng cách khơi dậy nỗi sợ hãi của người khác”, ông nói, và cho rằng những người chống nhập cư không lên tiếng mạnh như vậy trong những vấn đề như bóc lột người nghèo, chiến tranh và ngành vũ khí.
“Những nguyên nhân sâu xa cần bị tấn công chứ không phải những người phải gánh chịu hậu quả và bị dùng làm công cụ chính trị”, ông nói.
Trại tị nạn mà Giáo hoàng đến thăm vốn là một trường bắn cũ của quân đội, được cải tạo từ các cấu trúc có sẵn, trông giống như những công-ten-nơ đựng hàng. Một số cái khác che bằng tấm nhựa. Khoảng trống giữa các cấu trúc giống con đường trong một ngôi làng ảm đạm, nơi mọi người sống trong tình trạng lấp lửng.
Ngồi trên chiếc ghế trong lều, Giáo hoàng lắng nghe câu chuyện của Christian Tango Mukaya, một người tị nạn 30 tuổi từ CHDC Congo đã ở khu trại này suốt 1 năm qua cùng 2 con. Anh vẫn chưa liên lạc với vợ và người con còn lại từ khi đến đây.
Khu trại Mavrovouni được vây kín bởi tường bê tông, dây thép gai và một mặt giáp biển. Cơ sở này thay thế khu trại Moria khét tiếng đã bị cháy rụi vào năm ngoái.
Giáo hoàng Francisnói rằng thật “đau buồn” khi nghe tin một số lãnh đạo châu Âu muốn dùng quỹ chung để xây tường và hàng rào thép gai để chặn người di cư.
“Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên của những bức tường và hàng rào thép gai”, ông nói.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đang kêu gọi EU cấp vốn cho một bức tường biên giới để ngăn dòng người di cư từ Trung Đông qua Belarus vào Ba Lan.