Già làng thổi tù và khai mạc lễ hội Mừng lúa mới |
Các nghệ nhân đến từ buôn K’Rọt Dờng (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đảm trách việc tổ chức lễ hội mừng lúa mới đầu tiên của mùa vụ năm nay. Hiện lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché nên Già làng K’Brel phân công nhóm thanh niên vào rừng chặt tre dựng cây nêu.
Trong không gian linh thiêng, già làng K’Brel thổi 3 hồi tù và thành kính mời Yàng về dự lễ hội: “Ơi Yàng! Hỡi dân làng! Hôm nay chúng ta tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, cho cái nương, cái rẫy tốt tươi. Lúa trên nương trĩu hạt, đàn heo nhiều như con kiến đen, đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi dân làng! Chúng ta cùng về đây mở hội. Ơi Yàng!”.
Già làng làm lễ hiến sinh con gà trống, dùng tiết gà bôi lên cây nêu, mặt chiêng, xin Yàng cho hạ dàn chiêng xuống rồi trao từng chiếc chiêng cho các thành viên. Bài chiêng “Chào mừng quý khách” cùng tấu lên hòa cùng vũ điệu xoang nhịp nhàng của các sơn nữ quanh cây nêu.
Già làng thực hiện nghi thức hiến sinh con gà trống |
Tiếp đó, già làng khai ché rượu cần, rót rượu dâng lên Yàng và các thần linh rồi mời rượu, đeo vòng đồng cho quan khách và các thành viên đội chiêng. Âm điệu trống da trâu, khèn M’buốt, dàn chiêng 6 hòa vào nhau vang động núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội.
Xin Yàng cho hạ dàn chiêng để tổ chức lễ hội |
Sau lễ cúng Yàng, mọi người quây quần quanh đống lửa cháy rừng rực, cùng nướng thịt trâu, heo, gà, đọt mây, khoai sắn để thưởng thức cùng với rượu cần thơm lừng.
Khi đã ngấm men rượu, các chàng trai thi đánh chiêng, còn sơn nữ trình diễn những điệu múa truyền thống và trao gửi ánh mắt long lanh, nụ cười ngọt ngào khen tặng người chiến thắng trong cuộc thi.
Thưởng thức rượu cần tại lễ hội |
Các bậc cao niên cho biết, năm nào được mùa thì cúng lớn, hiến sinh con trâu, còn nếu chỉ vừa đủ ăn thì hiến sinh bằng dê hoặc gà. Rượu cần, cá suối, rau, củ quả cũng được dâng lên Yàng ở mức tương ứng.
Lễ hội Mừng lúa mới còn là dịp để dân làng cùng nhau vui chơi, hưởng thụ thành quả lao động sau 1 năm cày bừa vất vả.
Dân làng hào hứng tham gia đánh chiêng, biễu diễn các vũ điệu truyền thống |
Theo thống kê, người K’Ho có tỷ lệ dân số lớn nhất trong số các tộc người bản địa ở Nam Tây Nguyên, chia làm nhiều nhánh, bao gồm K’Ho Srê, K’Ho T’ring, K’Ho Nộp, K’Ho Cil, K’Ho Lạch và K’Ho D’ròn.
Đa số người K’Ho sống trên núi cao, riêng K’Ho S’rê làm ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm; định canh định cư dọc các thung lũng gần nguồn nước ở các huyện Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà…