Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch khu đất với tổng diện tích quy hoạch là 15.100,2m2, nằm tại xã Nhơn Phúc, cách trung tâm xã 1km về phía Đông.
Trong đó, tu bổ, phục hồi di tích nền móng nhà cũ, với diện tích bảo vệ 88,0 m2, gồm: nền móng nhà cũ hiện trạng là 54 m2 và lắp đặt hàng rào trang trí để tránh leo trèo, dẫm đạp lên di tích nền nhà.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, quy hoạch, xây dựng Nhà tưởng niệm thầy Trương Văn Hiến nhằm tưởng nhớ công trạng của ông đã thực hiện hoài bão cứu đời giúp nước, đào tạo nên những anh hùng tiêu biểu của triều đại Tây Sơn.
Việc xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị di tích giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết nhiều hơn về ông. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu tham quan nghiên cứu của du khách thập phương trong và ngoài nước…
Cải tạo, sửa chữa khu Miếu thờ hiện trạng, diện tích 288,3m2 (trong đó diện tích miếu thờ 38,3m2); tu bổ, phục hồi di tích giếng cổ, xây dựng chòi bát giác bảo vệ theo mô hình kiến trúc cổ truyền thống, mái ngói âm dương, 1 tầng, với diện tích sau khi hoàn thiện 54,5m2. Ngoài ra, xây dựng mới nhà tưởng niệm, bia tích, sân tập kết hợp biểu diễn võ thuật ngoài trời,…
UBND thị xã An Nhơn (Bình Định) chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công bố, công khai quy hoạch được duyệt, đưa mốc giới quy hoạch ra thực địa và lưu trữ hồ sơ theo quy định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định giao các Sở VH&TT, Xây dựng, KH&ĐT, TNMT, NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, chịu trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và các vấn đề liên quan khác theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Tương truyền, Trương Văn Hiến là người Nghệ An, giỏi văn và giỏi võ, vì chạy loạn nên đã vào sinh sống tại vùng đất thuộc xã Nhơn Phúc ngày nay. Trương Văn Hiến là thầy dạy học của ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.