Chương trình Bữa sáng Ruy Băng Trắng - Vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới được tổ chức tại TPHCM vào sáng nay (17/11).
Đây là sự kiện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LD-TB&XH) TPHCM phối hợp với Sở Thông tin truyền thông; Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đồng chủ trì, dưới sự tài trợ của Chính phủ Úc triển khai thực hiện chương trình “Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em 2021-2025”.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM |
Tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM nhìn nhận, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam. Tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. Đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong gia đình, xã hội.
Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, lạm dụng, xâm hại tình dục và bạo lực ngoài phạm vị gia đình.
Cứ 3 phụ nữ thì có 2 người từng bị bạo lực |
Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (năm 2019), cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.
Ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam nhấn mạnh, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới.
Tin tức được đưa ra có thể cung cấp thông tin đầy đủ về các trường hợp bạo lực tạo nên sự thương cảm của toàn xã hội, nhưng cũng có thể đầy định kiến và mang tính đổ lỗi cho người bị bạo lực.
“Do đó người làm truyền thông phải vô cùng thận trọng và nhạy cảm với vấn đề có thể đưa tin đúng, đầy đủ, chính xác, bảo đảm quyền của người bị bạo lực và trách nhiệm của thủ phạm” – ông Mark Tattersall nói.
Chương trình thu hút rất đông đại biểu tham gia |
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng văn phòng UN Women Việt Nam mong đợi, các cơ quan truyền thông, báo chí sẽ đầu tư vào việc nâng cao năng lực chuyên môn về lĩnh vực bình đẳng giới, bạo lực giới, áp dụng các chỉ số nhạy cảm giới,và sản xuất ra nhiều câu chuyện có chất lượng về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ.
Tại sự kiện, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình truyền thông, đưa tin về bạo lực giới, cũng như đề xuất các giải pháp để cải thiện tốt hơn công tác này.
Những năm qua, TPHCM đã có nhiều chính sách và giải pháp thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực; triển khai thí điểm “Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”. Từ chương trình này, thành phố đã vận hành các mô hình, sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực…