UBND tỉnh Nghệ An vừa ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông N.V.Đ (45 tuổi, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) về hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình. Quyết định xử phạt này được công bố vào ngày 11/10.
Theo cơ quan công an, ông Đ. phát hiện vợ là bà N.T.B (38 tuổi) ở nhà một người đàn ông khác. Sau đó, hai vợ chồng ông Đ. xảy ra mâu thuẫn.
Khi bà B. bỏ về nhà bố mẹ đẻ, ông Đ. đi theo và có hành vi bạo lực đối với vợ. Người đàn ông này còn dùng phích nước đánh vào đầu, mặt vợ khiến bà này phải đến cơ sở y tế điều trị.
Căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 52, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với ông Đ.
Ngoài ra, người đàn ông này còn bị buộc phải thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho vợ, số tiền gần 1,3 triệu đồng.
Từ một vụ việc cụ thể có thể thấy, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng vấn nạn bạo lực gia đình vẫn âm ỉ dưới nhiều mái nhà.
Theo các chuyên gia, để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, các cấp, các ngành từ trung ương, tỉnh, thành đến cơ sở cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, văn hoá vùng miền, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép kiến thức bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học, bậc học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng và duy trì các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành; đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.
Phòng chống bạo lực gia đình là góp phần thúc đẩy bình đẳng giới một cách hiệu quả và toàn diện. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.