Một số vật trang sức vừa được trao tặng cho thôn Đam Pao |
Hiện vật phong phú
Bà Chế Phương Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng (ngụ TP Đà Lạt) vừa trao tặng cộng đồng người K’Ho ở thôn Đam Pao 49 hiện vật về đời sống văn hóa của các tộc người thiểu số Tây Nguyên.
Các hiện vật được trao tặng cho Đam Pao gồm chóe, gùi, cung tên, xà gạc, cối giã gạo cùng nhiều vật trang sức như dây cườm, vòng đồng cầu hôn, nhẫn cưới… Những đồ trang sức này thường được dùng trong dịp bắt chồng, lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh hoặc trao tặng nhau trong dịp lễ hội, lễ kết nghĩa...
“Chúng tôi rất trân trọng những hiện vật văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng đã hiến tặng. Từ vốn hiện vật này, chúng tôi sẽ có trách nhiệm cùng với bà con thôn Đam Pao gìn giữ, bổ sung thêm và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để giáo dục cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, sẽ kết hợp với làng nghề dệt thổ cẩm đưa vào phục vụ du lịch văn hóa, hoàn thiện hơn thiết chế văn hóa trong tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã Đạ Đờn”, bà Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Dũng (bên trái) trao tặng 49 hiện vật cho thôn Đam Pao |
Người già ở thôn Đam Pao cho hay hiện vẫn có những gia đình trong thôn và khu vực lân cận vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục truyền thống của cha ông. Vì người K’Ho theo chế độ mẫu hệ nên sơn nữ “bắt chồng”. Nhà gái tổ chức lễ cưới và chàng trai phải đến ở rể sau đám cưới.
Nhà trai thường thách cưới con trâu, chiêng chóe, khăn dệt thổ cẩm, tấm ùi (váy), chuỗi hạt cườm…Trong lễ cưới, nhà gái và nhà trai cùng trao cho nhau những sợi dây cườm như một kỷ vật và sự ràng buộc, kết nối giữa 2 dòng tộc trong hôn nhân.
Đặc biệt, theo lời bà K’Thin, muốn cưới hỏi phải có vòng đồng đeo tay. Nuôi bò thì phải xỏ mũi để khỏi đi lung tung, còn con người phải có vòng để làm chứng. Nếu đôi trai gái đã trao nhau chiếc vòng với sự chứng kiến của dòng họ hai bên mà sau này ngoại tình thì bị làng phạt vạ.
Những hiện vật ấn tượng khác vừa được hiến tặng là các bộ cung tên từng là vũ khí để chiến đấu hoặc săn bắt thú rừng của các chàng trai Tây Nguyên thuở trước; những cây xà gạc không chỉ là dụng cụ sản xuất lợi hại mà còn là còn là vật thiêng hàm chứa bao điều bí ẩn trong đời sống tinh thần của người K’Ho.
Những bộ cung tên vừa được trao tặng |
Xà gạc là vật không thể thiếu trong nghi thức chém cửa ở rể, mở ra một giai đoạn mới của cuộc sống lứa đôi, nhắc nhở hai người luôn yêu thương nhau và tuân thủ luật tục của dòng tộc.
Cụ thể, trong lễ rước chú rể về nhà vợ, khi đoàn rước đến sân nhà gái, đại diện nhà trai cầm xà gạc tiến đến cửa buồng tân hôn dõng dạc bảo: “Họ nhà tôi đã đưa đứa con trai giỏi giang tới đây. Hãy mở cửa cho cháu rể vào!”.
Phía trong cánh cửa, đại diện nhà gái đáp: “Nếu khéo léo, khỏe mạnh thì tìm cách mà vào, không ai mở giúp đâu!”. Tuy nói thế nhưng nếu nhà gái đã ưng cái bụng thì cửa không bị gài quá chặt. Đại diện nhà trai lùi lại 3 bước, vung xà gạc chém tượng trưng liên tiếp 3 nhát rồi đẩy cho cánh cửa bật ra, cùng chú rể bước nhanh qua bậu cửa. Nhà gái sẽ làm lễ nhận chú rể.
Tăng sức hút du lịch văn hóa
Hiện gia đình nào ở thôn Đam Pao cũng có người biết dệt thổ cẩm. Và việc hàng trăm hộ cùng làm nghề dệt ở buôn làng yên bình bên dòng sông thơ mộng đã thu hút nhiều du khách tham gia các tour du lịch văn hóa nơi đây.
Những ngôi nhà gỗ nhuốm màu thời gian ở Đam Pao |
Bên cạnh việc được tận mắt chứng kiến các bà, các sơn nữ K’Ho mắt sáng long lanh thoăn thoắt dệt thổ cẩm, mua các sản phẩm dệt về sử dụng hoặc làm quà, du khách còn tham quan những ngôi nhà xinh xắn nhuốm màu thời gian. Phía trước nhà là khoảnh sân rộng dùng để phơi lúa hay cà phê khi vào vụ thu hoạch. Ngoài ra còn có những vườn rau, hoa xanh tốt, giàn bí, giàn bầu, vườn chuối sai quả.
Vào dịp lễ hội, du khách còn được xem biểu diễn cồng chiêng, thưởng thức các món ăn đặc sản như cơm lam, đọt mây, trâu gác bếp, heo rừng lai nướng. Người dân thôn Đam Pao hiện còn giữ được 3-4 bộ cồng chiêng; hàng chục người có thể chơi chiêng điêu luyện.
Trong thôn còn có những kiến trúc chùa và nhà thờ ấn tượng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân và du khách.
Bà Dương Thị Hiền, Phó Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, cơ sở hạ tầng ở thôn Đam Pao khá tốt. Nơi đây đã có thời gian khá dài thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Sắp tới, khi sửa chữa xong nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi trưng bày các hiện vật văn hóa và các sản phẩm thổ cẩm thì sẽ thu hút nhiều du khách hơn nữa.