Quan niệm về linh hồn và các nghi lễ cúng của đồng bào dân tộc Mông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đồng bào dân tộc Mông ở Việt Nam có nhiều phong tục, tập quán riêng và rất đặc sắc tô điểm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng. Trong đó quan niệm về con người, về hồn, linh hồn thể hiện rõ ở các nghi lễ cúng từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi.

Người Mông tin rằng mỗi người đều có ba hồn (plix). Hồn chính ở đầu (trong thóp), hồn thứ hai ở rốn, cai quản thân thể nội tạng. Hồn thứ ba ở ngực. Lúc sống hồn thứ nhất trông nom tổ tiên, nhà cửa, ruộng đất đai gia đình. Hồn thứ hai phải đi lao động kiếm của ăn, của để. Hồn thứ ba phải có nghĩa vụ chăm sóc sức khoẻ cho bản thân người đó không được ốm đau, bảo vệ con người.

Đến khi chết, hồn thứ nhất đi sang thế giới với tổ tiên và trong giữ mộ của mình. Hồn thứ hai, con người sau khi chết bay lên trời để thưa kiện với trời rằng, tại sao trời bắt người phải chết, hồn sẽ ở trên trời không quay về. Hồn thứ ba sẽ đầu thai để sống ở trần gian.

Quan niệm về linh hồn và các nghi lễ cúng của đồng bào dân tộc Mông ảnh 1

Lễ gọi hồn khi ốm đau hoặc bị ngã

Người Mông quan niệm hồn đi cùng xác vô cùng quan trọng, bởi vậy khi trẻ con mới đẻ được ba ngày thì thày cúng phải đứng trước cửa một tay cầm cái kéo, một tay ôm con gà trống, có một cái ghế đặt bát bột ngô, quả trứng gọi hồn đứa trẻ vào nhà. Khi bị ngã đau người Mông cũng quan niệm lúc ngã sợ quá hồn chưa kịp đứng dậy vì vậy khi về nhà họ thường lấy một quả trứng đến chỗ ngã lăn trứng rồi gọi hồn đứng dậy đi về. Khi người già hay bất cứ trẻ con nếu ốm đau lâu không khỏi người nhà phải mời thày cúng về cúng gọi hồn, họ cho rằng hồn người đó đã bỏ đi bởi vậy thày cúng phải gọi cho hồn người ốm trở về thì mới hết ốm đau.

Người Mông cũng quan niệm khi sống được 60 tuổi là hết một vòng đời, từ tuổi này, “hồn” người yếu hay gặp rủi ro, muốn sống tiếp vòng đời thứ hai phải làm lễ sinh nhật “Hu plix chơưr sinhz” để hồn của ông bà, cha mẹ khoẻ mạnh, không bỏ đi. Vì vậy, khi cha (mẹ) già, bước vào tuổi 60, người Mông thường làm lễ sinh nhật để báo hiếu và chúc thọ cha (mẹ) vào ngày sinh, họ không tổ chức giỗ tưởng nhớ cha (mẹ) vào ngày mất như người Kinh và các dân tộc khác.

Lễ vật sinh nhật gồm có: một con gà trống, một con gà mái. Nếu xem bói thày bảo cần phải có lợn thì sẽ phải thịt một con lợn con khoảng 20kg, một nồi cơm mới. Cúng xong nấu chín thức ăn và mang lên bàn người đó phải ngồi thẳng lên đầu tiên là thày cúng bón cơm, xé thịt cho vào miệng rồi gọi hồn người đó rằng: “Hồn mày có đói có khát thì tìm về đây ăn, tìm người của mày, tìm con cháu mà ăn mà uống nhé, hồn đừng có đi lang thang mà lạc chợ, lạc đường. Hồn về ngụ trên đầu mày ban cho mày sức khỏe sống thọ một trăm hai mươi tuổi”. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công ơn ông bà cha mẹ và cũng là dịp để chúc thọ (như của người Kinh), họ quan niệm lễ cúng này là gọi hồn người đó về tiếp tục ngự trị và sống khỏe mạnh trong con người đó.

Quan niệm về linh hồn và các nghi lễ cúng của đồng bào dân tộc Mông ảnh 2

Lễ cúng sinh nhật – mừng thọ tuổi 60

Trong chu kỳ đời người, người Mông còn có một lễ cúng bà mụ, giải hạn cầu yên cho người phụ nữ trong gia đình (uô đaz trôngx), lễ này không quy định độ tuổi mà quy định vợ chồng nào lấy nhau sinh con đẻ cái thì phải thực hiện lễ này. Lễ giải hạn cầu yên này thường diễn ra vào ban đêm muộn, lễ gồm một con lợn cái khoảng 10kg, một đôi gà, thịt xong lấy đầu lợn, bốn chân lợn, đôi gà mang vào buồng người phụ nữ cúng gọi hồn người đó rồi gọi bà mụ về ngự trong bình (quả bầu khô) để phù hộ cho người phụ nữ sức khỏe, cầu cho con cháu khỏe mạnh, thông minh.

Cúng xong mang tất cả lên gác đặt thẳng chỗ đầu người phụ nữ nằm, còn quả bầu khô treo lên, đến ngày thứ ba thày cúng đến cúng rồi mới mang xuống nấu ăn tiếp. Trong quá trình này, thịt lợn, gà kiêng không được mang ra ngoài dù là nước làm lông cũng phải đổ trong nhà, lông chôn hoặc đốt hết trong bếp lò, thịt phải ăn một bữa cho bằng hết đến sáng không còn dấu vết gì nữa, đặc biệt tất cả những người có mặt không được nói bất cứ tiếng dân tộc khác.

Vì sao phải kiêng như vậy, người Mông quan niệm rằng nếu thịt lợn, gà ở ngoài và mang ra ngoài ăn thì sợ người Hán biết đến cướp ăn hết, còn nói tiếng dân tộc khác thì hồn người đó sẽ không nhận ra mình, nhận ra anh em, con cháu mình mà sẽ bỏ đi, người đó sẽ ốm đau mà chết và bà mụ cũng không nhận ra là người Mông mà về phù hộ. Đây là nghi thức đặc biệt quan trọng trong chu kỳ đời người của đồng bào dân tộc Mông.

Đến khi chết lúc làm ma tươi, ma khô, ma rượu gà, ma rượu lợn, ma bò có rất nhiều bài cúng, mỗi bài cúng đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo hiếu, đạo nghĩa, tình cảm sâu nặng của người ở lại với người đã chết. Trong các bài cúng cho người chết, các thầy cúng chủ yếu là cúng dâng lễ cầu xin người chết, vừa cầu xin vừa tinh ranh, khôn khéo trong việc chỉ đường đưa lối người chết xuống cõi âm sám hối, trên đường lên trời gặp Ngọc Hoàng xin giấy về đầu thai, cầu xin tổ tiên đón nhận - điểm đỗ của cuộc sống vĩnh hằng, cuộc sống mà con người tưởng tượng giống với thế giới thực, nhưng ở đó sung sướng hơn. Các bài cúng lý giải hết sức lôgic, hợp lý cho con đường đi của linh hồn từ cõi sống về cõi chết, thực sự an ủi người sống, thực sự để người sống yên tâm lao động sản xuất.

Các lễ cúng trên đều thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, chăm sóc ân cần chu đáo các bậc ông bà, cha mẹ, lấy đó là tấm gương để con cháu học tập, coi đó là một trong những điều nhân đức ở đời, để được Po đangx trôngl (bà Mụ) đầu thai cho những đứa con khoẻ mạnh, thông minh nối dõi, làm được của ăn của uống, điều quan trọng là để khi chết sớm được siêu thoát.

Đặc biệt, các nghi lễ cúng trong vòng đời con người của đồng bào dân tộc Mông phù hợp với tín ngưỡng về quan niệm nhân sinh quan và vũ trụ quan về các loài ma, thân phận con người lúc sống cũng như lúc chết đi, mọi nghi lễ thực chất là giải toả tâm linh, lý giải cho những quan niệm mà khoa học chưa thể chứng minh làm sáng tỏ, làm giảm nỗi lo sợ của con người khi phải đối mặt với quy luật sinh – lão – bệnh – tử.

Ngày nay, kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, các luồng văn hóa ngoại lai đã và đang lan toả tới từng bản làng, làm cho nhiều phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Mông ở Việt Nam dần bị mai một, giao thoa, tiếp biến. Một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan có nguy cơ trỗi dậy như coi bói, xem số, lợi dụng lòng tin của đồng bào để đạt lợi ích kinh tế, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước … Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt hơn để địa phương quan tâm vận động đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc khác nói chung tự ý thức bảo tồn và gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc mang tính nhân văn, nhân đạo của dân tộc mình.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Những gương mặt trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

TPO - Tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu lần thứ X năm 2023. Chia sẻ sau lễ tuyên dương, các em học sinh, sinh viên DTTS đã bày tỏ nguyện vọng, mong muốn sẽ được tạo nhiều cơ hội hơn nữa để lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc. 
Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.