Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái

TPO - Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái, tuổi trẻ Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên thời đại mới.
Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 1

Ban Thường vụ Huyện Đoàn Tân Kỳ vừa tổ chức Chương trình “Giao lưu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái” tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ (xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Các đoàn viên thanh niên tham gia với nhiều hoạt động giao lưu bản sắc văn hoá như: cồng chiêng, múa dân gian, giao lưu các làn điệu dân ca, giới thiệu trang phục và cách sử dụng trang phục dân tộc Thái,...

Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 2

Lần đầu tham gia giao lưu văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái, Nguyễn Thị Hoài (đoàn viên chi đoàn Tân Văn, xã Nghĩa Dũng) hào hứng: “Cảm giác vừa lạ, vừa quen!”.

Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 3

Chia sẻ về cách chít khăn, Hoài cho biết, khi đội khăn lên đầu thường gấp đôi khăn theo chiều dọc, sau đó chia đều làm sao cho phần khăn không xuống quá nửa trán, lấy hai tà vấn theo vòng đầu để có một tà dài hơn tà kia. “Lần đầu trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái nên còn nhiều bỡ ngỡ. Phải đến lần thứ ba mình mới chít khăn được như người Thái”, Hoài nói.

Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 4

Khăn Piêu là sự kết hợp độc đáo, khéo léo giữa màu sắc và hoa văn. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của ánh nắng, nương lúa và màu trắng hồng của hoa thơm. Mỗi một hoa văn thể hiện cách ứng xử của người Thái với thiên nhiên và bản làng. Theo quan niệm của người Thái, khăn Piêu còn là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh, sự đảm đang của người phụ nữ.

Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 5

Với đồng bào dân tộc Thái, chiếc khăn Piêu không chỉ gắn bó với cuộc sống thường ngày, bình dị của người dân mà còn là “vật tín”, minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Vào những dịp lễ hội, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném còn mà cô gái không bắt được phải đem khăn Piêu ra tặng. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ hẹn ước, rồi yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.

Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 6
Hằng năm, mỗi độ xuân về thường diễn ra hội thi thêu khăn Piêu với mục đích phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, là cơ hội để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. “Là thế hệ trẻ, chúng em mong muốn tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”, nữ đoàn viên chia sẻ.
Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 7
Ngoài được trải nghiệm văn hoá chít khăn, bạn trẻ còn được giao lưu các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.
Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 8

Điệu khua luống - một nét văn hoá đặc sắc của người Thái.

Bạn trẻ trải nghiệm văn hoá chít khăn của đồng bào dân tộc Thái ảnh 9

Anh Nguyễn Văn Hùng – Bí thư Chi đoàn xã Nghĩa Dũng cho biết : "Đây là hoạt động ý nghĩa trong phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới của xã Nghĩa Dũng. Người trẻ ngày hôm nay mong muốn tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gìn giữ truyền thống đoàn kết của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số tại Tân Kỳ nói chung".

Tin liên quan