Ơn nghĩa sinh thành 2023 do Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức tối 24/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Tiệc nghệ thuật được sắp đặt chỉn chu, nhiều khoảng khắc lắng đọng về truyền thống tốt đẹp của người Việt qua bao đời. Đặc biệt đây được xem là một trong những hoạt động ý nghĩa trong dịp Đại lễ Vu Lan - truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Hoạt cảnh thơ múa Mùa hiếu hạnh công phu được cộng hưởng với giọng bình vang vọng, diễn cảm của NSƯT Lê Chức mở ra không gian nghệ thuật nhiều điểm nhấn và cảm xúc đong đầy cho chương đầu tiên Mùa hiếu hạnh.
Bông hồng cài áo da diết qua giọng ca Quang Dũng. |
Giọng ca trầm ấm của Quang Dũng mở màn Ơn nghĩa sinh thành bằng ca khúc chất chứa nỗi niềm của nhiều người con dành cho đấng sinh thành. Bông hồng cài áo, Ca dao mẹ được chọn để dẫn dắt nhiều ca khúc về tình mẫu tử, phụ tử, đức hiếu hạnh xuyên suốt chương trình.
Lời bình lấy từ đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khiến khán giả rưng rưng khi nghe Quang Dũng hát Bông hồng cài áo: “Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một, như đường mía lau… Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".
Đóa hồng đỏ thắm Tùng Dương dành tặng người bà, người mẹ dưới khán phòng. |
Hai chương nghệ thuật Ơn nghĩa sinh thành, Nơi ấy con tìm về đưa khán giả qua những cung bậc cảm xúc khác nhau của những giọng ca như Tùng Dương, Phạm Khánh Chi, Minh Quân, Sao Mai Nguyễn Thu Thủy, Hiền Thục, Phạm Hồng Phước...
Phần trình diễn của Tùng Dương để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả. Khi hát Mẹ tôi của Trần Tiến, Tùng Dương dành những lời gan ruột gửi tới người mẹ. Tùng Dương cũng là ca sĩ duy nhất trong chương trình có những lời tự sự đan xen trong phần thể hiện.
Hiền Thục rơi nước mắt hát Con nợ mẹ, Nhật ký của mẹ. |
“Từ trước đến nay, tôi và mẹ đều là người mạnh mẽ, cá tính nên khắc khẩu, bất đồng quan điểm trong nhiều chuyện. Nhưng mẹ luôn lặng lẽ ủng hộ, chăm lo cho tôi trong những buổi diễn. Mẹ tôi luôn dặn tôi: Con hãy luôn khiêm cung, chan hoà, hãy luôn đưa tinh thần đức độ và nhân văn vào trong nghệ thuật của chính mình cũng như cuộc sống thực tế ngoài đời. Điều đó mới là quan trọng nhất chứ không phải là những sự thành công bề nổi”, lời tự sự của Tùng Dương. Anh dành đóa hồng đỏ thắm gửi tới người bà, người mẹ đang lặng lẽ dõi theo bên dưới khán phòng.
Nước mắt rơi cho những cảm xúc đẹp về đạo hiếu - truyền thống tốt đẹp của dân tộc. |
Hiền Thục vốn đóng đinh với Nhật ký của mẹ, đến với Ơn nghĩa sinh thành, chị còn khiến khán giả thêm nghẹn ngào với Con nợ mẹ cũng do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác.
Giọt nước mắt của Hiền Thục được MC Nguyên Khang lý giải thêm rằng Hiền Thục thời gian qua gác lại công việc để theo con ra nước ngoài du học. Cắt đặt việc ăn ở cho con một thời gian, nữ ca sĩ mới quay lại với công việc.
Tiểu phẩm Báo hiếu - một trong những khoảng lắng đọng của Ơn nghĩa sinh thành. |
Không chỉ lấy nước mắt ở những ca khúc đong đầy cảm xúc, không ít khán giả gạt nước mắt khi xem tiểu phẩm Báo hiếu do nghệ sĩ Đào Duy Anh dàn dựng, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn.
Câu chuyện ba cậu con trai đùn đẩy, chia nhau trách nhiệm nuôi mẹ già từng được khai thác khá nhiều trên sân khấu. Tuy nhiên ở Ơn nghĩa sinh thành, diễn xuất của diễn viên được cộng hưởng với không gian nghệ thuật thấm đẫm tinh thần tri ân, báo hiếu nên tạo ra hiệu ứng khá mạnh mẽ. Người xem ngẫm lại, tự soi lại mình sau tiểu phẩm về tình mẫu tử, về trách nhiệm của con cái với đấng sinh thành.
Nhân dịp này, phóng sự phát ở phần đầu chương trình cũng ghi lại hành trình BTC trao quà tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cụ già không nơi nương tựa tại Hà Nội, trao quà tại miền Trung. Ngay tại sân khấu Ơn nghĩa sinh thành, BTC mời 20 bạn nhỏ Gương người con hiếu thảo lên sân khấu nhận quà, học bổng cho những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.