Cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng đưa ba chị em đi mua sắm đồ dùng học tập. |
Vừa làm cha, vừa làm thầy
Từ thành phố Hà Giang, chúng tôi mất hơn 3 giờ đồng hồ, vượt qua chặng đường 150km quanh co, đèo dốc mới đến được Đồn Biên phòng Phó Bảng, nơi nhận nuôi 3 chị em ruột người dân tộc Mông là Vàng Thị Chá (18 tuổi), Vàng Thị Sáu (15 tuổi) và Vàng Thị Chở (13 tuổi).
Thiếu tá Ma Đức Minh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phó Bảng chia sẻ: Sau khi cha mất, mẹ bỏ đi, 3 chị em hằng ngày tự vào rừng, lên nương rẫy kiếm được cái gì ăn cái đó. Trước hoàn cảnh éo le, 3 cháu không biết bấu víu vào đâu nên đơn vị xin ý kiến cấp trên, phối hợp với địa phương, cùng người thân thực hiện các thủ tục cần thiết đón các cháu về nuôi vào năm 2016.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng và 2 em Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở tiễn chị Vàng Thị Chá lên trường. |
Theo Thiếu tá Minh, việc nhận nuôi các cháu thời điểm bấy giờ là chưa có tiền lệ, nên tất cả các thủ tục pháp lý được các anh phối hợp với địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đồn cũng chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nơi ăn ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt, học tập cho các cháu.
“Đơn vị toàn nam giới, ba cháu đều là nữ. Ban đầu việc chăm sóc, hướng dẫn các cháu sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải nhờ các chị là vợ của cán bộ, cô giáo hỗ trợ các cháu. Mặt khác, cắt cử cán bộ hằng ngày dạy các con từ kỹ năng sống, nề nếp sinh hoạt, đến tham gia tăng gia sản xuất...”, Thiếu tá Minh chia sẻ.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng hướng dẫn các con học tập. |
Đau đáu lo tương lai cho các con
Anh Minh kể, ban đầu học lực các con rất yếu, nên đơn vị phối hợp với các cô Trường Trung học cơ sở nội trú Phố Bảng (huyện Đồng Văn) phụ đạo cho các con, bồi dưỡng kiến thức, giúp các con phát triển toàn diện. Từ sự cố gắng của bố nuôi và cô giáo, kết quả học tập của các con ngày một tiến bộ. Hằng năm, các con đều đạt học sinh khá, giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu quý.
Các con tham gia tăng gia sản xuất cùng cán bộ, chiến sĩ. |
Đặc biệt, cô chị Vàng Thị Chá luôn là học sinh đứng tốp đầu nhà trường, đã trở thành cô nữ sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông nội trú tỉnh Hà Giang. Năm học 2019-2020, em đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện và đoạt giải 3.
“Em đạt được kết quả học tập như ngày hôm nay là công lao to lớn của các bố. Để đền đáp công ơn, em chỉ biết cố gắng học tập để không phụ lòng các bố và thầy cô giáo vất vả nuôi dạy”, Vàng Thị Chá chia sẻ.
Cán bộ chỉ dẫn cách gập chăn, màn cho các con. |
Thông thường, khi các em 18 tuổi, chương trình hỗ trợ con nuôi của đồn biên phòng sẽ kết thúc. Lúc đó, các cháu phải tự lo toan cho cuộc sống của mình. Nhưng vì các cháu mồ côi, Đồn Biên phòng Phó Bảng tiếp hỗ trợ nuôi dưỡng các cháu, nếu trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.
"Đối với Chá, chúng tôi đã bàn rất kỹ trong Đảng ủy, định hướng cho cháu vào Trường cao đẳng sư phạm Hà Giang, sau này trở thành cô giáo", Thiếu tá Minh bật mí.
Quân y theo dõi sức khỏe cho các con. |
Thiếu tá Minh cho biết thêm, với học lực của con, cùng ước mơ tiếp tục theo học tại các trường cao đẳng, đại học, cán bộ, chiến sĩ trích một phần thu nhập của mình tiếp tục đồng hành cùng con hoàn thành ước mơ: "Ngoài ra, từ những nguồn hỗ trợ của nhà hảo tâm cho các cháu, chúng tôi lập sổ tiết kiệm, sau khi các cháu học xong, ra trường có chút vốn liếng lo cho cuộc sống".
Cán bộ, chiến sĩ cùng Vàng Thị Chở đến trường. |
Theo Thiếu tá Minh: "Từ nguồn hỗ trợ của nhà hảo tâm, đơn vị đã lập 2 sổ tiết kiệm trị giá 130 triệu đồng cho các con. Nếu các con trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, khi ra trường, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp nhận đỡ đầu, tạo công ăn việc làm ổn định cho các con".