Sinh ra và lớn lên ở xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, cô gái dân tộc Mông Giàng Thị Chá (1995) được tiếp xúc với thổ cẩm từ nhỏ. Lúc đó, mẹ dạy cô xe lanh dệt vải, phối thổ cẩm chỉ mong sau này con gái lớn biết cách may quần áo cho chồng, con. Không người phụ nữ nào ở thôn Mào Sao Chải nghĩ rằng, những thứ trang phục thường ngày lại có thể đem bán tận Pháp, Mỹ...
Giàng Thị Chá phát triển các loại họa tiết hoa văn mới trên nền thổ cẩm truyền thống của người Mông. |
Học hết cấp 3, theo nguyện vọng của bố mẹ, Giàng Thị Chá đăng ký thi vào Trường Cao đẳng cộng đồng Lào Cai. Nhưng sau khi tốt nghiệp, rồi thất nghiệp, Chá quyết định sẽ theo nghề may.
Những ngày đầu khởi nghiệp, Chá phải mua trả góp một chiếc máy khâu cũ. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, những bộ đồ Chá sản xuất ra đều không thể cạnh tranh với hàng bán đầy ngoài chợ.
Lúc ấy, nhiều người trong thôn lại được dịp can ngăn cô gái trẻ: việc buôn bán ngược xuôi là của đàn ông, phụ nữ chỉ cần biết may quần áo cho chồng con là được rồi. Song vì đã được đi học, Chá hiểu rằng, chỉ cần mình đủ cố gắng, thì phụ nữ cũng có thể làm tốt công việc kinh doanh. Rất nhiều tấm gương của các bà các chị đi trước đã dạy Chá điều ấy.
Chá tin rằng chỉ cần mình cố gắng thì phụ nữ cũng có thể kinh doanh tốt. |
Không cam chịu thất bại, Chá tiếp tục tìm lối đi khác, bằng cách phát triển các loại họa tiết hoa văn mới để may trên nền thổ cẩm truyền thống của người Mông.
Không ngờ, những sáng tạo của Chá lại thu hút khách du lịch và thị trường. Từ đó, Chá chuyên tâm tập trung nghiên cứu những mẫu hoa văn cách tân, nhưng vẫn giữ được những nền tảng cơ bản của thổ cẩm truyền thống. Từ đây, hàng của Chá sản xuất ra đến đâu có khách đặt mua đến đó. Một vài người khách du lịch ngoại quốc đến Lào Cai thấy đồ của Chá bắt mắt đã mua về nước. Cộng đồng du lịch truyền cho nhau, tệp khách của Chá được mở rộng dần.
Dịch Covid đẩy Chá đến với việc bán hàng online. Điều này càng thuận tiện hơn cho việc giao thương với nước ngoài.
Những mẫu trang phục của Chá được nhiều người yêu thích. |
“Khi bán hàng cho khách nước ngoài, tôi có tương tác với họ để thăm dò ý kiến khen chê về các mẫu mã sản phẩm của mình. Tôi nhận được rất nhiều đóng góp. Chính từ những ý kiến đó, tôi điều chỉnh các thiết kế của mình để phù hợp thị hiếu của khách hàng. Mặc dù tôi thay đổi về kiểu dáng trang phục, nhưng những nét sắc thái cơ bản tôi vẫn giữ theo truyền thống của người Mông, như màu sắc, chất liệu và cả các họa tiết hoa văn truyền thống…", Chá nói.
Khi lượng tiêu thụ ổn định, Chá đã mở rộng quy mô sản xuất bằng cách chỉ tập trung nghiên cứu thiết kế mẫu mã, sau đó chuyển cho các chị em khác thêu thùa gia công. Nhờ đó mà nhiều chị em cũng có thêm việc làm và thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Ngoài quần áo, Chá còn sản xuất thắt lưng, xà cạp, khăn choàng... |
"Tôi rất vui khi những sản phẩm truyền thống của quê hương mình có thể giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế. Đặc biệt, những trang phục của tôi nhận được rất nhiều lời khen và sự yêu thích của khách hàng. Thậm chí, có người mặc những trang phục của người Mông đi dự sự kiện, dự tiệc. Đó chính là nguồn động lực lớn để tôi tiếp tục học tập, tìm tòi, sáng tạo và phát triển nhiều hơn nữa. Từ đó, sẽ góp phần gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa của Việt Nam”, Giàng Thị Chá chia sẻ.
Chuyện của Chá không chỉ chuyện về người trẻ chung tay “giữ lửa” cho thổ cẩm và tiếp nối nó trong một hành trình mới, xa hơn, rộng hơn và có sức sống vững bền, mà còn là một ví dụ cho sự vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới của phụ nữ dân tộc thiểu số, để khẳng định giá trị bản thân, chinh phục ước mơ và khát vọng.