Địa chỉ tương thân tương ái
Theo tư liệu từ Ban Ái hữu Nghệ sỹ, lịch sử Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật cải lương. Giới nghệ sỹ miền Nam vốn có truyền thống tương thân tương ái, để phát triển bộ nghệ thuật non trẻ này, các nghệ sỹ luôn có sự sẻ chia, giúp đỡ nhau.
Năm 1948, các nghệ sỹ yêu nước và yêu nghề như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Trần Hữu Trang... đã thành lập Hội Nghệ sỹ Ái hữu tương tế, đặt trụ sở tại 133 Cô Bắc (nay là trụ sở Hội sân khấu TPHCM). Năm 1958, nghệ sỹ Phùng Há - Hội trưởng Hội Nghệ sỹ Ái hữu tương tế đã vận động các mạnh thường quân giúp đỡ để mua đất xây dựng chùa và nghĩa trang cho giới nghệ sỹ tại Gò Vấp.
Năm 1969, chùa Nghệ sỹ được xây dựng và chi phí hoạt động do các nhà hảo tâm đóng góp. Trong đó ông bầu Xuân (tức Diệp Nam Thắng) - Trưởng đoàn cải lương Dạ Lý Hương đã đóng góp hơn 100 cây vàng để xây chùa. Tháng 3/1972 Ban quản lý Chùa và Nghĩa trang được thành lập và bầu Thời (tức Phan Văn Thời) làm chủ Hội.
Năm 1994, sau khi Hội Sân khấu TPHCM được thành lập, Hội Nghệ sỹ Ái hữu tương tế đã được đổi tên là Ban Ái hữu nghệ sỹ, ngoài các công tác từ thiện, Ban còn quản lý Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ.
Từ ngày được thành lập, Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ TPHCM đã trở thành điểm đến “tương thân tương ái”, là nơi nương tựa cho những nghệ sỹ gặp khó khăn và là nơi an nghỉ cuối cùng của rất nhiều nghệ sỹ.
NSND Đinh Bằng Phi kể, ngay từ khi thành lập, Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ đã có Ban quản lý là những sư trụ trì vốn xuất thân là nghệ sỹ như Đại đức Thích Quảng Trường (bầu Thời), Đại đức Thích Quảng Minh (NS Thanh Tao), Thượng tọa Thích Huệ Trí (NS Bảy Bá), Đại đức Thích Tưởng Niệm (NS Ba Cẩn). Nhờ đó, hoạt động của Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ đã đi vào nền nếp, quy củ… và được giới nghệ sỹ, những người yêu nghệ thuật tin yêu, đóng góp công sức để phát triển.
Mấy ngày qua, Chùa Nghệ sỹ được gắn bảng hiệu với tên mới: “Hội Sân khấu TP HCM - Nghĩa trang Nghệ sỹ” gây xôn xao dư luận. Theo BCH Hội Sân khấu TPHCM, việc Ban Quản lý Chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ đã tự ý gắn bảng tên mới này mà không thông qua BCH Hội sân khấu là sai sót. Sự việc này đã gây dư luận không tốt trong xã hội cũng như ảnh hưởng tới truyền thống nghĩa tình, nhân văn tốt đẹp bao năm của Ban Ái hữu Nghệ sỹ. Hội Sân khấu TPHCM đã tổ chức họp khẩn, trực tiếp khảo sát tại thực địa và yêu cầu tháo gỡ ngay bảng tên chưa phù hợp.
Di sản quý
NSND Bạch Tuyết là người đã gắn bó nhiều năm với các hoạt động tại đây. Theo bà, với giới nghệ sỹ, Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ rất thiêng liêng, bởi nó mang hồn cốt của bộ môn nghệ thuật truyền thống là sân khấu cải lương.
“Tôi đã đi nhiều nước thấy có những nghĩa trang dành riêng cho nghệ sỹ hay người nổi tiếng. Nhưng vừa là Chùa, vừa là Nghĩa trang dành cho nghệ sỹ thì chỉ có duy nhất tại Việt Nam. Đó là nét riêng mà không nước nào có được và là di sản quý cần phải giữ gìn”.
Cũng theo NSND Bạch Tuyết, trước ngày đất nước thống nhất, Ban quản lý Chùa Nghệ sỹ cũng đã có nhiều hoạt động yêu nước như tổ chức hát gây quỹ, che chở cho nhiều chiến sỹ cách mạng ẩn náu trong chùa để hoạt động.
Trong những nghệ sỹ cải lương ngày đó đã có những người là đảng viên cộng sản hoạt động bí mật. Bởi thế, Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ không chỉ là địa chỉ văn hoá mà còn là địa chỉ của cách mạng một thời.
Một bức phù điêu mang hình một cuốn sách tại Chùa Nghệ sỹ |
Theo Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TPHCM, chùa Nghệ sĩ đã tồn tại hơn 60 năm và có giá trị to lớn về mặt tinh thần không chỉ với giới văn nghệ sĩ mà còn với người dân thành phố. Lâu nay nơi đây đã trở thành điểm đến cho những người yêu cải lương. Từ những giá trị tinh thần này, Sở VH-TT đã đề xuất UBND TPHCM ba nội dung liên quan.
Một là, giao cho các sở, ngành liên chức năng rà soát cơ sở pháp lý nhà đất tại Chùa Nghệ sỹ để đề xuất tham mưu phương hướng tổ chức hoạt động tại đây trong thời gian tới.
Hai là, nghiên cứu để trùng tu, sửa chữa những hạng mục, công trình xuống cấp, hư hỏng để thể hiện sự trân trọng công lao của nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước.
Ba là, các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp xin hướng dẫn về việc thờ cúng văn nghệ sỹ đang nằm tại nơi đây.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho biết, chủ trương của Hội Sân khấu là củng cố lại hoạt động của không gian văn hóa này để đưa các hoạt động đi vào nền nếp, tổ chức thêm các sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động văn hóa ý nghĩa nhằm tôn vinh giá trị lao động nghệ thuật, giúp thế hệ diễn viên trẻ noi theo truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Chùa Nghệ sỹ hiện có hơn 500 lọ cốt các nghệ sỹ được đặt trong các tháp cốt. Tại đây cũng có nhà lưu niệm của NSND Phùng Há, người được mệnh danh là “Ngôi sao Bắc Đẩu” của cải lương. Tại Nghĩa trang Nghệ sỹ nằm trong khuôn viên Chùa hiện có hơn 500 ngôi mộ của các nghệ sỹ, trong đó có rất nhiều nghệ sỹ tài danh như NSND Phùng Há, NSND Năm Châu, NSND Năm Đồ, NSND Ba Vân, NSND Thành Tôn, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Trường Xuân, NS Hữu Phước, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, Đức Lợi, Minh Phụng, Lê Vũ Cầu, Tô Kiều Lan, Quốc Hòa, Lê Công Tuấn Anh...