UBND Quận Gò Vấp lên tiếng về việc Chùa Nghệ sĩ bị đổi tên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong báo cáo mới nhất gửi UBND TPHCM về vụ đổi tên Chùa Nghệ sỹ thành Nghĩa trang Nghệ sỹ, UBND Quận Gò Vấp khẳng định địa phương không có chủ trương thay đổi bảng tên và điều chỉnh quy hoạch với Chùa Nghệ sỹ (Chùa Nhựt Quang - địa chỉ số 116/6 đường Thống Nhất- phường 11- quận Gò Vấp).

Báo cáo của UBND Quận Gò Vấp cho biết, về tính pháp lý, năm 1958, bà Trương Phụng Hảo (tức NSND Phùng Há) đã vận động kinh phí để mua đất xây chùa và nghĩa trang cho giới nghệ sỹ.

Sau khi mua mảnh đất này, Hội Nghệ sỹ Ái hữu tương tế đã có bằng khoán đứng tên Hội Ái hữu và xây dựng Nghĩa trang nghệ sỹ. Năm 1969, Chùa Nghệ sỹ tiếp tục được xây dựng từ kinh phí do mạnh thường quân đóng góp và sau đó Hội Nghệ sỹ Ái hữu tương tế đã thành lập Ban quản trị Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ.

UBND Quận Gò Vấp lên tiếng về việc Chùa Nghệ sĩ bị đổi tên ảnh 1

Khu Chính điện của Chùa Nghệ sỹ

Năm 1981, UBND TPHCM ra quyết định thành lập Hội Sân khấu TPHCM. Năm 1994, Hội Sân khấu TPHCM đã có quyết định thành lập Hội đồng Quản trị Nghĩa trang - Chùa Nghệ sỹ với Hội đồng quản trị gồm 15 người. Ông Diệp Nam Thắng (bầu Xuân) được uỷ nhiệm làm thường trực Hội đồng quản trị để giải quyết các vấn đề của Chùa Nghệ sỹ và Nghĩa trang Nghệ sỹ. Ngoài ra trong Chùa Nghệ sỹ còn có một số tu sỹ xuất thân từ giới nghệ sỹ.

Việc Hội Sân khấu TPHCM thực hiện thay bảng tên “Chùa Nghệ sỹ” bằng “Nghĩa trang Nghệ sỹ”, Hội Sân khấu không thông báo với chính quyền địa phương (Quận và Phường không được biết). UBND Quận không có chủ trương thay đổi bảng tên, điều chỉnh quy hoạch đối với Chùa Nghệ sỹ

UBND Quận Gò Vấp lên tiếng về việc Chùa Nghệ sĩ bị đổi tên ảnh 2

Một bức tượng trong khuôn viên Nghĩa trang Nghệ sỹ

Tuy nhiên, theo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp, không có tính pháp lý chứng minh Chùa Nghệ sỹ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận quản lý.

Chính vì thế, việc cư trú của các tu sỹ tại Chùa Nghệ sỹ thuộc Hội sân khấu TPHCM là không phù hợp với Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo và Hiến chương - Nội quy Ban Tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định. Do đó, vào ngày 9/4/2022, các tu sỹ đã rời Chùa Nghệ sỹ.

Về việc thay bảng tên vào ngày 18/6, báo cáo của UBND Quận Gò Vấp cũng nói rõ: “Việc Hội Sân khấu TPHCM thực hiện thay bảng tên “Chùa Nghệ sỹ” bằng “Nghĩa trang Nghệ sỹ”, Hội Sân khấu không thông báo với chính quyền địa phương (Quận và Phường không được biết). UBND Quận không có chủ trương thay đổi bảng tên, điều chỉnh quy hoạch đối với Chùa Nghệ sỹ”

UBND Quận Gò Vấp lên tiếng về việc Chùa Nghệ sĩ bị đổi tên ảnh 3

Danh sách các nghệ sỹ được chôn cất, thờ phụng tại Nghĩa trang Nghệ sỹ

Báo cáo của UBND Quận Gò Vấp cũng khẳng định Chùa Nghệ sỹ là một địa điểm truyền thống; tên và địa danh Chùa Nghệ sỹ và Nghĩa trang Nghệ sỹ được nhiều người dân biết đến, là nơi quy tụ của giới văn nghệ sỹ.

Tại đây cũng thường diễn ra các hoạt động văn nghệ cải lương trong những ngày giỗ Tổ nghề của giới Nghệ sỹ, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến xem cải lương và là nơi được nhiều đồng chí lãnh đạo quan tâm thăm viếng.

UBND Quận Gò Vấp kiến nghị UBND TPHCM sớm quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng thành phố, Hội Sân khấu thành phố và quận Gò Vấp nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến Nghĩa trang - Chùa Nghệ sỹ.

Trong khi đó, ngày 21/6, Sở Văn hoá - Thể thao (VH-TT) TPHCM đã có công văn báo cáo UBND TPHCM về việc này. Sở VH-TT đã đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu về pháp lý cơ sở nhà đất, phương hướng hoạt động thời gian tới tại Chùa Nghệ sỹ và Nghĩa trang Nghệ sỹ.

Sở VH-TT đề nghị UBND TPHCM giao UBND quận Gò Vấp và Hội Sân khấu làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hướng dẫn hoạt động thờ cúng nghệ sỹ tại đây.

MỚI - NÓNG