Thời gian qua UBND huyện Ba Vì (Hà Nội), đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, 100% phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ y tế, 97% phụ nữ mang thai được khám trên 3 lần, số vụ bạo hành trong gia đình có xu hướng giảm…
Huyện Ba Vì, Hà Nội có diện tích tự nhiên lớn, với 31 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 1 thị trấn, 7 xã miền núi và 1 xã đảo giữa sông Hồng. Riêng 7 xã miền núi của huyện có tỷ lệ dân số người dân tộc thiểu số chiếm 38,3% dân số. Huyện có hai dân tộc thiểu số chính là dân tộc Mường và dân tộc Dao.
Ngày 27/10, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm tiếng nói, vai trò tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội”.
Tại tọa đàm, ban tổ chức đã lắng nghe nhiều ý kiến tham luận, thảo luận về thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm tiếng nói, vai trò tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo…
Hình ảnh tại ngày hội “Bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số” tổ chức tại Ba Vì vào đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh: UBND huyện Ba Vì. |
Phần lớn ý kiến của phụ nữ Ba Vì mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các buổi tập huấn, tọa đàm, các buổi truyền thông về bình đẳng giới, cung cấp kiến thức, kỹ năng phát triển bản thân để sẵn sàng tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế…
Từ những ý kiến tham luận tại tọa đàm, thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng sẽ tiếp tục xây dựng nhiều chương trình hơn nữa để nâng cao kiến thức về bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Ba Vì.