Vi phạm bình đẳng giới trong gia đình bị xử phạt như nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các hành vi đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Để đảm bảo bình đẳng giới được thực hiện trên thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP vào ngày 28/12/2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Nghị định này tạo hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Qua đó, góp phần bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng và các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới nói chung.

Điều 13 chương II của Nghị định 125 quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả các hành vi này.

Theo đó, các hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính; Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.

Có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính; Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.

Ngoài ra còn có các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

Đối tượng vi phạm sẽ phải khắc phục hậu quả bằng các biện pháp sau: Buộc xin lỗi công khai người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này (trừ trường hợp người bị xâm phạm có đơn không yêu cầu); Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý đối với hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho người bị xâm phạm; Buộc khôi phục quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Cũng theo nghị định này, thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lực lượng Công an nhân dân, Lực lượng Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới

TPO - Tại buổi Giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, nhiều tiểu phẩm đặc sắc, nhiều sáng kiến hay, nhiểu hoạt động thu hút.., đã giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới.