Những năm qua, công tác gia đình, bình đẳng giới luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, triển khai hiệu quả. Trong đó, việc xây dựng các mô hình, CLB phòng chống bạo lực gia đình được xem là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.
Nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương tư vấn cho một phụ nữ bị bạo lực gia đình. |
Từ năm 2020, mô hình ngôi nhà tạm lánh với tên gọi “Ngôi nhà Ánh Dương” được thành lập tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, với mục tiêu phát hiện, ngăn chặn, trợ giúp kịp thời cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục, cũng như nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Sau hơn 3 năm hoạt động, “Ngôi nhà Ánh Dương” đã trở thành điểm tựa vững chắc cho những phụ nữ bị bạo lực gia đình, nhất là những nạn nhân người dân tộc thiểu số. Tại đây, các nạn nhân được cung cấp những dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và tại văn phòng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển tuyến và kết nối hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm cho các nạn nhân.
Các dịch vụ được cung cấp tại đây dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Những nạn nhân bị bạo lực giới khi có nhu cầu đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực.
Một buổi sinh hoạt của CLB Phòng chống bạo lực gia đình tại phường Nam Hòa, TX Quảng Yên, Quảng Ninh. |
Anh Nguyễn Xuân Huy, Trưởng phòng Tư vấn - Trợ giúp và hành chính (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) cho biết: Nguyên tắc hoạt động hàng đầu của "Ngôi nhà Ánh Dương" là bảo vệ an toàn cho những phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực giới, khi họ có nhu cầu tạm lánh, chăm sóc tạm thời. Mọi thông tin cá nhân của nạn nhân được bảo mật tuyệt đối, địa chỉ trụ sở chỉ được cung cấp riêng cho nạn nhân khi liên hệ với trung tâm. Bên cạnh đó, mọi dịch vụ đều là miễn phí từ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, đến việc chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân.
Anh Huy cho biết thêm, từ ngày có "Ngôi nhà Ánh Dương", nhiều phụ nữ, em gái là người dân tộc thiểu số đã tìm đến xin hỗ trợ và lánh nạn.
Nhiều Câu lạc bộ chống bạo lực gia đình đã nỗ lực tham gia tuyên truyền, vận động những phụ nữ, em gái là dân người dân tộc thiểu số bị bạo lực gia đình tìm đến "ngôi nhà Ánh Dương" để nói lên tiếng nói của mình.
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cũng có trách nhiệm phát hiện, hoặc tiếp nhận thông tin người bị bạo lực giới qua tất cả các kênh thông tin, như qua người dân báo tin, chính quyền địa phương chuyển gửi, qua website, fanpage của "Ngôi nhà Ánh Dương" và đặc biệt là tổng đài tư vấn miễn phí 18001769.
Toàn tỉnh hiện duy trì 113 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL; 176 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các phường xã, thành phố trong toàn tỉnh; 478 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 250 đường dây nóng hỗ trợ, tư vấn, xử lý các vụ bạo lực gia đình, 100% trạm y tế tuyến xã có bố trí nơi tạm lánh, tư vấn, điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình.
100% xã, phường, thị trấn của tỉnh thành lập CLB phòng chống bạo lực gia đình, với 793 mô hình tổ, nhóm hòa giải cơ sở. Các mô hình này chủ yếu nằm ở khối đoàn thể, ở các khu dân cư; trong đó hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên là hạt nhân với các CLB: “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”... Hoạt động của các mô hình đã góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình, từng bước giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới từ trong gia đình và ngoài xã hội.