Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (chương trình mục tiêu quốc gia-MTQG 1719), huyện Chi Lăng đang và đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đến với cộng đồng.
Các cấp bộ Hội Phụ nữ ở Chi Lăng tăng cường tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình |
Tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới, công tác Hội phụ nữ |
Theo Báo cáo sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2018-2021 của UBND huyện Chi Lăng, số lượng các vụ bạo lực gia đình trong giai đoạn 2018 - 2021 có 42 vụ, có 32 vụ bạo lực trên cơ sở giới tại trường học, cộng đồng.
Chia sẻ vấn đề này, bà Vy Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt tâm lý xem bạo lực gia đình là “chuyện nội bộ” đã giảm, những tin báo, tố giác hành vi, vụ việc gia đình kịp thời, giúp chính quyền cơ sở xử lý hiệu quả sự việc liên quan.
Bà Vi Thị Hà, dân tộc Tày, trú tại thôn Nà Lìa, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng cho biết: Trong thôn 100% là người dân tộc thiểu số với 90 hộ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Đời sống còn khó khăn, nhận thức hạn chế dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực gia đình.
Thế nhưng, với sự nhập cuộc mạnh mẽ của Hội phụ nữ địa phương qua các hoạt động tuyên truyền giải thích, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới, tình trạng trên đã giảm.
Không chỉ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách bảo đảm bình đăng giới, quy định pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới, địa phương còn xây dựng hương ước, quy ước thôn có nêu rõ: Nếu gia đình nào xảy ra mâu thuẫn, ban đầu thì các tổ chức đoàn thể thôn đến nhắc nhở, lần tái phạm lần thứ nhất sẽ phạt 100 nghìn đồng, lần hai thì phạt 200 nghìn đồng.
Theo báo cáo của UBND xã Hữu Kiên; các thôn bản trên địa bàn đều đã thành lập Tổ hòa giải, Câu lạc bộ "Bình đẳng giới - phòng chống bạo lực gia đình". Bên cạnh đó, cán bộ văn hóa, tư pháp, công an xã cũng thường xuyên đến tận từng nhà, từng thôn tuyên truyền, vận động…
Cùng đồng lòng giữ gìn hạnh phúc, chống bạo lực gia đình. |
Tăng cường công tác tuyên truyền đến các vùng sâu, vùng xa ở huyện Chi Lăng. |
Chủ tịch Hội LHPN huyện Chi Lăng Vy Thị Thu Trang cho biết thêm: Trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo; chú trọng từng bước đổi mới phương thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu sát với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện còn chủ động tổ chức diễn đàn “Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, phòng chống mua bán người; xây dựng mô hình; thành lập được 14 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 21 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; ra mắt 21 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, Phòng chống tảo hôn; phối hợp mở 50 lớp tập huấn kiến thức về Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em…
Tính đến nay, có 95% cán bộ, hội viên phụ nữ tại các địa bàn trọng điểm được tuyên truyền; 100% cán bộ, hội viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại các địa bàn trọng điểm được trang bị kỹ năng, kiến thức về Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật bình đẳng giới, 100% địa bàn trọng điểm đều có mô hình tập hợp hội viên, phụ nữ bền vững…
“Việc tuyên truyền, vận động được huyện triển khai qua các hình thức như: Cán bộ trực tiếp đến từng thôn, từng nhóm hộ, từng nhóm dân tộc để tuyên truyền, vận động; lồng ghép nội dung tuyên truyền tại hội nghị sinh hoạt chi hội hằng tháng; xây dựng tin, bài, phóng sự, ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, tuyên truyền trên loa phát thanh công cộng; tổ chức đối thoại trực tiếp với hội viên phụ nữ; tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong các trường học”, bà Vy Thị Thu Trang nói.
Những nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể huyện Chi Lăng đã giúp người dân hiểu rõ về mối nguy hại của bạo lực gia đình, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi, có lối sống lành mạnh, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Kết quả rõ nhất là, thời gian qua, trên địa bàn huyện Chi Lăng không xảy ra vụ việc nào liên quan đến bạo lực gia đình.