Hàng trăm em nhỏ mồ côi, đặc biệt khó khăn ở vùng núi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã được những mạnh thường quân nhận bảo trợ để tiếp sức các em đến trường.
Bảo trợ từ xa
Người khởi đầu dự án “Đi học trên núi” này là anh Nguyễn Bình Nam (sống tại Đà Nẵng, Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau). Nhiều năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện ở vùng cao, anh gặp vô số những em nhỏ dân tộc thiểu số thiếu cha mất mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, gia đình hết sức nghèo khó. Éo le vậy, nhưng ở rẻo cao chưa có những trung tâm bảo trợ trẻ em, thành thử các em không biết nương tựa vào đâu.
“Tôi nảy ra ý định muốn xây một ngôi nhà đưa các em về nuôi dưỡng, nhưng không thể được vì vướng nhiều quy định, thủ tục. Đề xuất xây dựng trung tâm bảo trợ cũng không khả thi. Trằn trọc mãi, tôi tự hỏi sao mình không “bảo trợ” từ xa, kết nối những tấm lòng từ khắp nơi cùng giúp các em”, anh nhớ lại.
Anh Nguyễn Bình Nam trao quà “Đi học trên núi” tháng 9/2023 cho các em học sinh tại xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. |
Thế là anh bắt đầu khảo sát các trường, vùng núi của tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi rồi lên danh sách những học trò khó khăn nhất, đặc biệt là những em có nguy cơ bỏ học. Có danh sách trong tay, anh mạnh dạn kêu gọi những người bạn, những mạnh thường quân ở thành phố cùng chung sức. Họ hỗ trợ cho mỗi em 500.000 đồng/tháng, đều đặn. Có người chuyển hằng tháng, có người chuyển nguyên cả năm, còn hào phóng cho thêm các em.
“Ngoài “Đi học trên núi”, tôi vẫn đang kêu gọi mọi người tiếp sức cho dự án “Đi dạy trên núi” để hỗ trợ hành trình gieo chữ cho những thầy cô cắm bản có hoàn cảnh khó khăn. Hiện đã có 17 thầy cô được dự án hỗ trợ 1 triệu/tháng”, anh Nam thông tin.
Từ tháng 9 năm ngoái đến nay đã có 250 người góp lửa để giúp hơn 300 em “Đi học trên núi”.
“Khi tôi kêu gọi, bạn bè, người quen hưởng ứng nhiệt tình lắm. Sự sẻ chia, đồng cảm lan tỏa đến cả những người tôi chưa một lần gặp mặt, cũng không hề biết gì về họ. Họ âm thầm xin thông tin và gửi tiền tới để bảo trợ các cháu. Có người “tham”, bảo trợ một lúc 2-3 em”, anh chia sẻ.
Anh Nam xót xa rằng 500.000 đồng/tháng "với mình có thể không là gì cả, nhưng với các em có thể đó là tất cả".
Động lực đến trường
Tất cả tiền đóng góp cho dự án “Đi học trên núi” được anh Nam chuyển về cho hiệu trưởng các trường. Hiệu trưởng chuyển đến giáo viên chủ nhiệm. Hàng tháng gia đình các em thiếu gạo, dầu ăn, nước mắm, thuốc chữa bệnh…, thầy cô giáo sẽ đi mua giúp. Cũng có trường hợp cần tiền đi bệnh viện, mua chiếc xe đạp… thì có thể nhận tiền mặt.
Gắn bó với trẻ vùng cao, anh Nam hiểu được những cơ cực, thiếu thốn mà các em phải đối mặt hàng ngày. |
Cô Đỗ Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) không giấu được niềm vui khi năm học trước trường có 18 em được bảo trợ, năm nay thêm 4 em nữa là 22 em. “Tháng nào tụi nhỏ cũng “có lương”. Đi học mà nhà có tiền mua gạo mua thịt. Mừng lắm. Tụi nhỏ bớt lo cái ăn cái mặc, tự tin đi học và có thêm động lực đi học”, cô không giấu được cảm xúc.
Hiện “Đi học trên núi” đã lan tỏa tới 33 trường học ở các huyện miền núi: Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Bắc Trà My của Quảng Nam; Hướng Hóa của Quảng Trị và Trà Bồng của Quảng Ngãi. Anh Nam và các mạnh thường quân vẫn nỗ lực duy trì, cố gắng bảo trợ các em cho tới khi học xong THPT. Anh vẫn đều đặn lên núi, được các bạn nhỏ vùng cao thuộc lòng số điện thoại để khi cần có thể gọi bất cứ lúc nào.