Có ngày, Pơ Loong Đạt, Hốih Bim Bim… xuống núi xem pháo hoa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lần đầu tiên trong đời tụi nhỏ rời khỏi núi rừng, không phải gùi hàng đi bán hay khám bệnh, mà đi… du lịch. Nhỏ tuổi mà “sang” nhất làng. Pơ Loong Đạt, Hốih Bim Bim, A Rất Đại Quân… còn bất ngờ được xem “lửa chớp đùng đùng” bên sông Hàn.

60 em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 4 huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi), Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My (Quảng Nam) vừa được CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) đưa xuống phố để biết thế giới bên ngoài...

Thấy biển, biết nhà hàng, ngủ khách sạn, ngắm pháo hoa…

Anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau kể hành trình “xuống núi” là ấp ủ bao lâu nay của CLB sau bao năm gắn bó với vùng cao, thương các em chỉ quẩn quanh trong buôn làng, chẳng hề biết gì về thế giới ngoài kia. Với các em nhỏ mồ côi, gia cảnh khó khăn, điều đó lại càng xa vời.

Vậy là một ngày đầu tháng 6, cùng với sự chung tay của các mạnh thường quân, 3 chiếc xe đã đưa những học sinh cùng các thầy cô giáo từ vùng núi Trà Bồng (Quảng Ngãi), Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My (Quảng Nam) thẳng tiến ra Đà Nẵng. “Lần đầu tiên mấy đứa được leo lên xe ô tô, mặt ngơ ngác. Suốt chặng đường đi chẳng em nào dám ngủ vì sợ mất cơ hội nhìn cảnh quan bên ngoài. Lúc xe tới thành phố, thấy đường sá tấp nập, có cầu bắc qua sông, máy bay vút trên đầu, bảng hiệu chớp nháy, tụi nhỏ réo lên. Những hình ảnh mà chúng ta gặp thường ngày với tụi nhỏ lạ lùng đến thế”, anh Nam kể giọng pha chút thương cảm.

Có ngày, Pơ Loong Đạt, Hốih Bim Bim… xuống núi xem pháo hoa ảnh 1

Các em nhỏ vùng cao may mắn được xem bắn pháo hoa bên sông Hàn

Buổi chiều đầu tiên ở Đà Nẵng, 60 em nhỏ được dẫn ra biển, đứng trước cảnh tượng mà lâu nay chỉ thấy trên sách báo. Sướng rân người. Sau mấy bước lò dò xem dưới đáy có đá, bùn như khi lội suối lội sông không, tụi nhỏ tự tin lao ra vọc nước, tắm rửa, quẫy đạp thỏa chí. Có em nếm vị biển mặn quá, quay sang thắc mắc hỏi người ta đã đổ bao nhiêu muối vào đây, còn dự định múc nước về cho bạn trong làng nếm thử. Pơ Loong Đạt (Tiểu học Ating, huyện Đông Giang) không giấu được niềm vui: “Em không nghĩ là mình được đi xuống thành phố. Ở đây cái gì cũng to và nhiều cả, nhiều nhà, nhiều xe, tới đâu điện cũng sáng…”.

Có ngày, Pơ Loong Đạt, Hốih Bim Bim… xuống núi xem pháo hoa ảnh 2

“Mình em ăn hết ạ? Chừng ni cả nhà em ăn tới 6 người…”Ảnh: BTN

Tối hôm đó, đúng dịp Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, đôi mắt của lũ trẻ dân tộc Co, Ca Dong… lần đầu tiên thu vào võng mạc hình ảnh mà với các em, có thể nói là rợn ngợp. Pháo hoa bắn liên hồi, muôn hình vạn trạng, đủ sắc màu thắp sáng cả vùng trời. Ban đầu vì quá choáng ngợp, các em còn nói với nhau là “lửa chớp”, nhưng rồi được các cô chú giới thiệu và giải thích, cả nhóm mới biết mình thật may mắn khi có cơ hội được thưởng thức khoảnh khắc này. Anh Nam nhớ lại, cả đoàn dự tính khởi hành vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, nhưng vì chưa sắp xếp được nên lùi lại, vài hôm sau lại nhớ ra gần tới lễ hội pháo hoa. Ngặt nỗi lúc này vé đã hết sạch, tàu thuyền trên sông cũng không còn chỗ. May có sự hỗ trợ từ nhiều phía các em mới có được chỗ ngắm pháo “đắc địa” bên sông Hàn. “Nhìn tụi nhỏ xem pháo hoa, tụi tui ai cũng rưng rưng vì thấy các con đã tận hưởng được giây phút này. Đó chắc chắn là “sự kiện” tuổi thơ, không thể nào quên của trẻ vùng cao”, anh Nam trải lòng.

Ba ngày vui chơi ở Đà Nẵng, các em được đến rạp phim, trầm trồ “cái ti vi to bằng cái nhà”. Được tới bảo tàng, siêu thị, đi thang máy, du thuyền, check-in các điểm nổi tiếng, rồi ăn nhà hàng, ngủ khách sạn… Những bữa cơm với rau rừng muối trắng, những bụi cây phiến đá “ngã đâu là giường” tạm quên đi để hoà với cuộc sống hiện đại, đủ đầy. Có lúc, sự ngây ngô của các em làm mọi người bật khóc, như lúc mang đĩa cơm gà ra, một em cầm phần gà lên tròn mắt hỏi: “Mình em ăn hết ạ? Chừng ni cả nhà em ăn tới 6 người…”.

Đi một ba lô, cõng về cả thế giới

Có ngày, Pơ Loong Đạt, Hốih Bim Bim… xuống núi xem pháo hoa ảnh 3

Nhiều món “lạ lùng”, các em nhỏ vùng cao không biết cách ăn. Ảnh: BTN

Cô giáo Đỗ Thị Bình (Trường Tiểu học Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn nguyên cảm xúc như lúc nhận được tin báo của CLB sẽ cho học trò trong trường xuống phố. Đó gần như là điều “không tưởng” với cô trò miền núi.

Lần này trường có 5 em cùng 2 thầy cô giáo đi hộ tống. Em nào cũng khó cũng khổ, riêng Hồ Văn Khiêm (lớp 3) cả ba và mẹ đều không được tỉnh táo. Nhà Khiêm ở nơi không có sóng điện thoại, giáo viên phải vào tận nơi báo tin, xin phép gia đình, rồi lựa cho Khiêm bộ đồ sạch đẹp nhất để lên đường.

“Không có chuyến đi này, có khi cả đời các em không xuống núi. Bởi trên này vừa khó khăn, vừa cách trở, vừa thiếu hiểu biết. Mấy hôm ở Đà Nẵng, tối lại các em họp nhau đếm xem cả ngày được ăn mấy món, rủ nhau khui quà, bàn tán những gì thấy ở thành phố.

Chuyến đi làm các em mở mang tầm mắt thêm biết bao nhiêu”, cô cảm kích. Cô kể thêm, để các em biết cuộc sống “dưới núi” thế nào, các thầy cô giáo ở vẫn thường mở ti vi, điện thoại cho xem. Những nơi không có sóng thì lũ trẻ chỉ hình dung được qua lời kể và sách báo.

Vậy nên được ngắm nhìn trực quan sinh động, được chạm vào những thứ chỉ thấy trên tivi và hoà vào nhịp sống phố thị, quả là một cuộc “cách mạng” với tầm nhìn, hiểu biết của các em. Không chỉ học trò, mà nhiều thầy cô giáo trên rẻo cao cũng lần đầu tiên được tận mắt xem pháo hoa, đi du thuyền… nhờ chuyến đi này.

Có ngày, Pơ Loong Đạt, Hốih Bim Bim… xuống núi xem pháo hoa ảnh 4

Các bạn nhỏ vùng cao lần đầu tiên trong đời được tắm biển

Hôm Hốih Bim Bim (lớp 4, trường Tiểu học A Nông, huyện Tây Giang) trở về, tay Bim ôm đầy những túi quà của các nhà hảo tâm tặng. Ba ngày trước lúc đi Bim chỉ vỏn vẹn cái ba lô đựng hai bộ đồ. Thầy Nguyễn Văn Toan (trường Tiểu học A Nông) bảo cả làng mừng cho Bim, không chỉ vì được quà mà đã biết thế nào là “du lịch”, nhỏ tuổi nhưng “sang” nhất làng. Thầy Toan, và các thầy cô khác cũng như cả làng chung niềm mong mỏi những năm sau, học sinh trong trường tiếp tục được bước lên chuyến xe xuống phố.

Gần một năm qua, CLB Bạn thương nhau đã kết nối với các mạnh thường quân thực hiện dự án “Đi học trên núi”. Mỗi mạnh thường quân đỡ đầu một hoặc nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi, Quảng Nam với số tiền mỗi tháng 500.000 đồng/em. Hiện tại có 250 em nhỏ đang nhận được sự giúp đỡ này. 60 em xuống phố nằm trong số đó. Anh Nguyễn Bình Nam chia sẻ, các mạnh thường quân cam kết sẽ hỗ trợ các em tới THPT, thậm chí đại học.

Anh Nam tâm tình, không ngờ chuyến đi mang tới cho các em và thầy cô niềm vui lớn lao như vậy. Cũng chẳng ngờ nhiều người quan tâm, sẻ chia với các em đến thế. Suốt mấy ngày tháp tùng bọn trẻ, điện thoại anh liên tục nhận cuộc gọi “tụi nhỏ ở đâu? Ăn gì chưa? Thích đi đâu? Muốn quà gì?...” sau đó là những hộp kem, ly nước, bánh mì, gấu bông… mang tới tận nơi.

CLB quyết tâm sẽ duy trì chuyến xe xuống phố dài lâu, để thêm nhiều em bé Ca Dong, Co, Cơ Tu…biết thêm sắc màu ở thế giới ngoài kia. “Biết đâu các em sẽ ươm được một điều gì đấy cho chính cuộc đời mình”, anh Nam kỳ vọng.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.