Lễ khai giảng đơn sơ trên nền đất đỏ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một lễ khai giảng đơn sơ nhưng ấm áp và không kém phần nghiêm trang của cô trò điểm trường nóc (làng) Lăng Lương thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) khiến nhiều người xúc động.

Từ sáng sớm, cô giáo Trà Thị Thu và Trần Thị Nhung đã có mặt thật sớm để chuẩn bị tươm tất cho buổi lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Khoảnh sân trước lớp học được chọn làm điểm tổ chức buổi lễ được quét dọn sạch sẽ.

Chiếc bàn gỗ được kê ra, bên trên trải tấm khăn, trên đó đặt trang trọng tấm ảnh Bác Hồ, bên cạnh là một giỏ hoa nhựa, phía sau là cờ Tổ quốc. Tấm phông màu đỏ với dòng chữ “Lễ giảng năm học 2023 - 2024”, xung quanh là hai chùm bong bóng. Bên dưới, những hàng ghế thẳng tắp được kê sẵn để các em học sinh ngồi dự khai giảng.

Lễ khai giảng đơn sơ trên nền đất đỏ ảnh 1

Cô trò điểm trường Lăng Lương và buổi lễ khai giảng đơn sơ

“Dù điểm trường chỉ với 31 học sinh, nhưng bọn em cũng cố gắng để các em được sống trong không khí tựu trường phấn khởi và ý nghĩa nên mọi thứ được chuẩn bị thật tốt đón các em vào năm học mới”, cô Trà Thị Thu nói. Cô đã 8 năm đồng hành với các em nhỏ vùng cao.

Điểm trường vắt vẻo lưng chừng núi, hai cô giáo trong bộ áo dài đi bộ xuống phía dưới dốc đón “đàn con trẻ” đi lên. Lũ trẻ mặc quần áo mới được các nhà hảo tâm trao tặng trước ngày khai giảng. Cô trò nắm tay dẫn nhau lên trên dốc núi. Các em nhỏ khuôn mặt hớn hở, tay cầm lá cờ, tay níu áo cô giữa bềnh bồng sương giăng.

Lễ khai giảng diễn ra trước sân trường nền đất đỏ. Khách mời năm nay là vị trưởng nóc cùng một số phụ huynh lội bộ đường rừng đưa con tới lớp. Sau lễ chào cờ, hát quốc ca, các em được nghe đọc thư của Chủ tịch nước, sau đó đại diện nhà trường đọc diễn văn khai giảng, đại diện phụ huynh và học sinh phát biểu cảm nghĩ.

Lễ khai giảng đơn sơ trên nền đất đỏ ảnh 2

Năm nay, điểm trường có tất cả 31 em học sinh, bao gồm 6 em lớp 1, 8 em lớp 2 và 17 em mẫu giáo. Hai cô giáo được phân công đứng điểm là Trà Thị Thu (phụ trách lớp 1 và 2) và cô Trần Thị Nhung phụ trách lớp mẫu giáo. Năm học này, cô trò điểm trường đón niềm vui lớn là lần đầu tiên có ánh điện chiếu sáng. Được sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương và một số nhà hảo tâm, cách đây ít hôm, các thầy giáo đã lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Phòng học bừng sáng ánh điện, quạt được mắc lên xua tan cơn nóng ngày hè.

“Dù dạy và học ở những điểm trường xa xôi như thế này còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng điều khiến những cô giáo trẻ như em yêu nghề đó là nụ cười tươi thắm của con trẻ. Những đứa trẻ lem luốc nhưng chăm chú đánh vần, luyện chữ. Những gương mặt chân chất, với bó hoa dại trên tay mừng cô dịp lễ của nghề… Những điều giản dị đó là niềm hạnh phúc của giáo viên vùng cao”, cô Thu chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.