Di vật quý hiếm
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đề dẫn tọa đàm “Kinh đô Thăng Long Hà Nội từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới”, diễn ra 17/12, khẳng định các cuộc khai quật khảo cổ học từ năm 2002 đến nay xuất lộ nhiều dấu tích nền móng cung điện. Dấu vết phế tích này cho thấy đó là những công trình kiến trúc được xây dựng thể hiện quyền uy của hoàng đế và triều đình, nghệ thuật trang trí mang đậm dấu ấn, sắc thái văn hóa và hơi thở của mỗi triều đại. Phát hiện quý giá nhưng chưa đủ để lấp đầy khoảng trống về tư liệu của các công trình kiến trúc kinh đô Thăng Long.
Các nhà khoa học đã đến khá gần với tư liệu khoa học để có thể xác định khá rõ một phần kết cấu không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê trung hưng gồm Chính điện Kính Thiên - Đoan Môn - Đan Trì-Ngự Đạo. PGS.TS. Tống Trung Tín thông báo, trong đợt khai quật năm 2021 các nhà khảo cổ học đã phát hiện di vật quý-mô hình kiến trúc đất nung tráng men xanh. Các nhà khảo cổ, chuyên gia nghiên cứu bước đầu xác định đó là các mảnh vỡ một tầng mái của mô hình đất nung nhiều tầng, nằm trong tầng văn hóa thời Lê sơ đã khai quật được.
Cần sớm hoàn trả mặt bằng để phục dựng điện Kính Thiên Ảnh: KỲ SƠN |
Di vật bị vỡ mất hết tầng đế và tầng trên, phần còn lại may mắn gần đầy đủ một tầng mái. Mô hình được làm bằng đất sét mịn màu đỏ tươi, toàn bộ mặt ngoài được phủ men màu xanh đối với bộ mái, màu vàng đối với phần khung gỗ, mặt trong mô hình cũng được tráng men vàng. “Đây là một loại di vật quý có giá trị cung cấp những tư liệu mới mang tính xác thực cao, quý hiếm cho nghiên cứu kiến trúc và mỹ thuật trang trí kiến trúc cổ truyền Việt Nam”, ông Tín nói.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện công trình kiến trúc Lê sơ tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là căn cứ cho phép tìm hiểu đôi nét về kiến trúc thời Lê sơ. Bởi điều đáng tiếc nhất chính là việc hủy hoại hoàn toàn công trình kiến trúc tôn giáo, kiến trúc dân gian thời Lê sơ trên mặt đất.
Sớm phỏng dựng 3D
Các chuyên gia đầu ngành từng nhiều lần nhắc đi nhắc lại, bên cạnh quá trình khảo cổ học làm căn cứ khoa học xác thực, Trung tâm cần ứng dụng công nghệ để mô phỏng, phục dựng một số cung điện dưới hình thức 3D. PGS.TS. Đặng Văn Bài trước đó từng dẫn bài học kinh nghiệm của Nhật Bản về câu chuyện phục dựng 3D để con cháu hình dung ra kiến trúc của cha ông, không thể nào bắt hậu thế chỉ tự hào với những di tích trong tưởng tượng.
Ông Nguyễn Thanh Quang nêu, từ kết quả khai quật khảo cổ học, trong những năm gần đây, các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, diễn giải, ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu phục dựng, giúp truyền tải kết quả nghiên cứu đến công chúng một cách đầy đủ. Có thể kể tới một số sản phẩm thu hút sự chú ý như một số di tích trong quần thể di tích triều Nguyễn ở Huế, phỏng dựng VR3D - AR quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu - Một Cột (Hà Nội), một vài hình ảnh 3D kinh thành Thăng Long - Hà Nội của nhóm 3D Hà Nội và một số kết quả nghiên cứu phỏng dựng mô hình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long. Thế nhưng cho tới thời điểm này, công chúng chưa nhìn thấy bất cứ công trình 3D nào giúp họ nhận diện cung điện, lễ hội ở Cấm thành Thăng Long.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Quang, khẳng định, các tham luận và ý kiến đóng góp về kinh thành Thăng Long bổ sung nguồn tư liệu, xác định chức năng của khu vực Chính điện Kính Thiên; cung cấp các chứng cứ khoa học cho quá trình nghiên cứu các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long, cụ thể là giai đoạn thời Lê về các loại hình vật liệu kiến trúc, cấu kiện kiến trúc…
Tọa đàm khoa học này là dịp đầu tiên nhiều nhà nghiên cứu trẻ tham gia cuộc trao đổi cùng các nhà khoa học đầu ngành, tập trung bàn về giải pháp nghiên cứu phục dựng cung điện 3D trước khi có thể xây dựng ngoài đời thực. TS. Trần Trọng Dương-thành công phỏng dựng kiến trúc một cột chùa Diên Hựu- trình bày kinh nghiệm, có khả năng ứng dụng trong quá trình phỏng dựng, phục dựng cung điện ở Hoàng thành. Trong trường hợp không có sử liệu khảo cổ trực tiếp tại ngôi chùa Diên Hựu-Một Cột để tái lập về phong cách, kỹ thuật kiến trúc, mỹ thuật, người thực hiện sử dụng các cứ liệu khảo cổ gián tiếp như hiện vật cùng niên đại với công trình, hiện vật mang phong cách mỹ thuật thời đại đó...
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích khá kỹ về Long trì (thềm rồng)-Đan trì (sân rồng) trong cấu trúc khu trung tâm cấm thành Thăng Long thời Lý-Trần-Lê. “Kết quả khai quật khảo cổ học bước đầu ở một số điểm có liên quan đến Long trì-Đan trì thời Lý, Trần, Lê cho phép xác định trong lòng đất còn đang ẩn tàng nhiều di sản cực kỳ quý giá của Cấm thành Thăng Long chưa bị công trình kiến trúc cực kỳ hiện đại xâm phạm. Khảo cổ học khu vực này chắc chắn sẽ giải mã được nhiều điều huyền bí của lịch sử-văn hóa Cung thành, Hoàng thành của các vương triều và của đất nước suốt chiều dài lịch sử”, giáo sư nói.
TS. Nguyễn Viết Chức tiếp tục lo lắng về tiến độ phục dựng điện Kính Thiên. Bên cạnh quá trình nghiên cứu khoa học, ông cho rằng Trung tâm cần thúc đẩy sớm hơn việc hoàn trả mặt bằng cho Hoàng thành. PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói, kết quả phát lộ di vật mới nhất giúp chúng ta hình dung rõ nét hơn về không gian điện Kính Thiên thời Lê sơ, Lê trung hưng. Tuy nhiên các nhà khoa học và Hà Nội còn một khối lượng công việc khổng lồ, nhiều thách thức để xác định kiến trúc phục dựng điện Kính Thiên.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội mới đây đã hối thúc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, các nhà khoa học cần đẩy nhanh quá trình phục dựng không gian điện Kính Thiên. Thềm rồng điện Kính Thiên còn đó. Kết quả khai quật khảo cổ học suốt những năm qua dần củng cố tư liệu, thế nhưng giấc mơ thấy được cung điện hiện hữu trên mặt đất còn quá xa vời. Xung quanh câu chuyện phục dựng cung điện dù có nhiều quan điểm nhiều chiều, tuy nhiên các nhà khoa học đều thống nhất về vị trí, vai trò quan trọng của điện Kính Thiên xuyên suốt từ thời vua Lý dời đô về Thăng Long cho tới các triều đại nối tiếp. Kiến trúc có thể thay đổi theo đặc trưng từng triều đại nhưng không gian bất di bất dịch.