Làm sao tiến gần giấc mơ điện Kính thiên

Khu vực khai quật điện Kính thiên tiến sát Đoan Môn phát lộ thêm nhiều dữ liệu. Ảnh: Toan Toan.
Khu vực khai quật điện Kính thiên tiến sát Đoan Môn phát lộ thêm nhiều dữ liệu. Ảnh: Toan Toan.
TP - Nếu như kết quả khảo cổ tại Hoàng Thành năm 2015 cho các nhà khoa học thêm cơ sở để đề xuất nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính thiên.

Thêm phát lộ thú vị

Suốt năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn, tổng diện tích gần 1.000m2 với hai hố đào, nhằm nghiên cứu, làm rõ thêm vị trí, quy mô và giá trị khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại khu vực điện Kính Thiên-Đoan Môn. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nói rằng, kết quả sơ bộ tiếp tục xác định địa tầng văn hóa kéo dài từ khoảng thế kỷ 8-9 tới đầu thế kỷ 19, 20, cũng như các dấu tích kiến trúc ở Trục trung tâm kéo dài từ thời Lý tới thời hiện đại.

“Mặc dù diện tích khảo sát nhỏ, di tích chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng trong nghiên cứu tổng thể góp phần nhận diện thêm một bước kiến trúc tổng thể của khu vực Trung tâm qua các thời trên những nét lớn”, PGS.TS Tín nói. Cụ thể, đây là lần đầu phát lộ móng tường thời Nguyễn ở Đoan Môn dựng lên trên cơ sở tận dụng và thu hẹp móng tường Đoan Môn thời Lê Trung Hưng. Đối với thời Lê Trung Hưng, giới khảo cổ tiếp tục làm rõ dấu tích móng tường phía Nam của Cấm thành, dấu tích sân Đan Trì lát gạch vồ màu xám, dấu tích hành lang gian đoạn sớm nối tiếp kết quả khai quật hai năm trước.

Ở thời Lê sơ trong lần khai quật này các nhà khảo cổ chỉ ra dấu tích móng tường Nam của Cấm thành nằm ở phía trong móng tường thời Lê Trung Hưng, dấu tích kiến trúc hành lang có bó nền, có dải nó nền trang trí kiểu hoa chanh. Riêng dấu tích kiến trúc thời Trần rất ít, dấu tích đường hoa chanh của năm ngoái sẽ được chú ý trong các đợt khai quật tới.

Đối với thời Lý, các nhà khoa học thu được nhiều kết quả làm rõ đường nước lớn chạy sát và dưới móng tường Nam Cấm thành thời Lê Sơ và Lê Trung hưng, theo dự đoán đường nước này chảy qua phía quảng trường Đoan Môn tiến về phía Cột Cờ. PGS.TS Tống Trung Tín sau khi dẫn cả đoàn đi tham quan hai hố thám sát khẳng định, kết quả khai quật đã bước đầu làm rõ kiến trúc thời Lý dạng kiến trúc hành lang chạy dài theo hướng Đông-Tây, có thể kết nối Bắc-Nam. Các nhà khoa học dự đoán kiến trúc Cổng lớn ở Trục chính tâm, kiến trúc hành lang năm nay có thể phát triển về phía quảng trường Đoan Môn, góp phần làm rõ quy hoạch tổng thể kiến trúc Thăng Long thời Lý.

Mở cửa cho du khách

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội kết thúc cuộc họp mong muốn xin phép các nhà khoa học và thành phố mở cửa đón du khách tham quan các hố khai quật dịp tết này. Trước đó, trong lúc hướng dẫn các nhà khoa học tham quan hố khai quật sát cổng Đoan Môn, PGS.TS Tín cười bảo, năm nay đào sát vào Đoan Môn nên du khách thích thú lắm, họ chỉ trỏ vì thấy các nhà khảo cổ lúi húi đào bới. “Khéo sau này mà giữ lại khu vực này để bảo tồn, có khi cũng phải mời nhà khảo cổ đến trình diễn”, PGS Tín góp vui.

Thực ra ý tưởng này được nhiều nhà khoa học quan tâm, bởi như PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất phải phổ cập tư liệu cho nhân dân, “thuyết phục cộng đồng rằng bằng khả năng nghiên cứu có thể phục dựng được không gian điện Kính thiên”. “Ngay từ bây giờ phải tiến hành tư liệu hóa khai quật để chuẩn bị cho phục dựng điện Kính thiên”, PGS.TS Mai Hùng, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nói.

Chuyên gia của Trung tâm thừa nhận du khách hào hứng hơn với di tích đang được phát lộ hơn là di tích trưng bày. Năm 2016, Trung tâm tổ chức hai chương trình lớn để nhen lên tình yêu khảo cổ với học sinh, đạt kết quả khả quan. Tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông cũng góp ý, ở một số di sản thế giới, họ thậm chí bán cho người quan tâm một khoảnh đất để tự họ đào bới như nhà khảo cổ thực thụ. Ông Trần Việt Anh đề xuất các nhà khoa học nên tăng cường tới để tương tác với thế hệ tương lai của ngành khảo cổ nói riêng, chủ nhân đất nước nói chung.

Có nên tăng tốc độ khai quật?

Thời gian trước, các nhà khảo cổ từng nói cứ đà này trăm năm nữa chưa khai quật xong Hoàng thành Thăng Long. Tại cuộc báo cáo kết quả năm nay, các nhà khoa học tiếp tục mổ xẻ vấn đề này. TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo đề xuất phải tăng tốc độ khai quật lên. PGS.TS Đặng Văn Bài cũng có ý muốn các nhà khảo cổ đề xuất tăng diện tích khảo cổ điện Kính thiên, bởi điện rộng lớn nhưng mỗi năm chỉ 1 nghìn m2, 20 năm sau mới khai quật xong. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tiến Đông lại cho rằng, không thể vội được, vì di tích chồng di tích, nếu nhanh quá sẽ phá hủy di tích ngay.

Trước các ý kiến này, GS.TSKH.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, Trung tâm cần báo cáo thành phố, mỗi năm mở rộng diện tích khai quật, cần kế hoạch cụ thể. “Chúng ta không nên mở rộng nhiều quá vì không đủ sức khai quật nhiều, các nhà khảo cổ còn căng ra trên phạm vi toàn quốc, không riêng ở Hoàng Thành. Trong khai quật chúng ta có mục tiêu chung nâng cao nhận thức của Cấm thành qua các thời kỳ theo khuyến nghị của UNESCO. Chúng ta có mục tiêu phục dựng không gian điện Kính thiên, không phải phục dựng điện Kính thiên, vì với điều kiện hiện nay rất khó phục dựng cả Điện.” Đề án nghiên cứu, phục dựng không gian điện Kính thiên được Hà Nội phê duyệt trước đó, tuy nhiên các nhà khoa học đều xác định tinh thần phải chờ thêm kết quả khai quật, cũng như tăng cường nghiên cứu kinh nghiệm ở các di sản khác trên thế giới.

GS.TSKH.NGND Phan Huy Lê khẳng định mỗi năm khai quật lại cho giới khoa học thêm nhận thức mới. “Tôi rất mừng vì chúng ta đi tìm được phạm vi tối thiểu của thành Đại La mà ta có cơ sở chứng minh. Toàn bộ khai quật chỗ nào cũng có dấu tích của thành Đại La kể cả chỗ mới nhất của năm nay, sang khu 18 Hoàng Diệu, Vườn Hồng cũng có dấu tích Đại La. Điều cực kỳ mới mẻ mà lần khai quật này mới kết luận được: Từ trước tới nay chúng ta kết luận Đoan Môn thời Lê Sơ, nay kết luận được của thời Lê Trung Hưng”, GS Lê nói.

MỚI - NÓNG