SIÊU THỊ ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI MƯỜNG AO TÁ
Lò Thị Trang, chủ homestay Lake view nổi tiếng nhất khu Đá Bia kể cho chúng tôi về những “quán tự giác”: “Các mặt hàng ở quán đều có ghi rõ giá tiền và treo sẵn một cái giỏ tre để đựng tiền ở đó. Không có người bán, khách qua đường cũng dần quen với việc tự giác mua bán hàng dọc xóm Đá Bia.
Bác tôi từng kể, có những người là lái xe thường xuyên qua con đường này, hôm đó cần mua hàng nhưng không mang theo tiền, họ viết một mảnh giấy ghi nợ, hẹn ngày trả và ghi tên phía dưới rồi bỏ vào sọt và mang hàng hóa đi, sau đó quay lại trả tiền vào ngày hôm sau”.
Quán tự giác ở Đá Bia |
Bà Đinh Thị Yệu, mẹ Trang bổ sung thêm: “Quán tự giác” có từ lâu rồi, nó được coi là siêu thị đầu tiên của người Mường Ao Tá ở Hòa Bình. Hàng ngày, hàng hóa được bày bán từ sáng sớm, trước khi đến giờ đi làm đồng áng, nương rẫy và dọn hàng, kiểm hàng khi trời nhá nhem.
Với đặc tính tự túc tự cấp, mỗi gia đình người Mường đều có thể sống khỏe mà không bị phụ thuộc vào chợ hay siêu thị... Rau củ, lúa gạo trồng ra, gà, vịt nuôi lớn chủ yếu để nhà dùng, thừa chút ít mới mang bán. Trước đây các “quán tự giác” có rải rác ở khắp xóm.
Khi ấy có lời đồn, những hàng hóa tại “Quán tự giác” đều đã bị yểm bùa chú, nếu những ai mua hàng mà không bỏ tiền vào giỏ thì sẽ không biết đường đi ra khỏi quán, hoặc nếu có lấy đồ đi thì sau đó cũng sẽ gặp phải rắc rối nào đó. Dần dần quán tồn tại mà không có chuyện trộm cắp, quỵt tiền.
Chi Lò Thị Trang |
Ở Đá Bia hiện nay có ba “Quán tự giác”. Nói là “quán” thực chất chỉ là một sạp nứa có mái che, trên sạp bày nông sản mùa nào thức nấy của người Mường như: khoai sọ, rau, củ, hoa quả, bánh ốc, măng ngâm, mía... Nếu như ban đầu quán ra đời với mục đích bán hàng, thì hiện nay nó đã trở thành một “đặc sản du lịch” thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách.
Bà Yệu cho biết, “Quán tự giác” không thuộc sở hữu của riêng nhà nào mà là “cửa hàng” chung. Nhà ai chỉ cần có đồ muốn bán đều có thể mang ra quán “ký gửi”. Chuyện mặc cả, trả giá đương nhiên không tồn tại ở đây. Lợi nhuận của quán mang lại cũng không nhiều nhưng bà con vẫn thích duy trì như một cách để quảng bá nét đẹp của người Mường với khách vãng lai, khách du lịch.
Một điều thú vị nữa, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các “Quán tự giác” đều phát huy hết công dụng của mình khi vẫn duy trì được việc lưu thông hàng hóa mà lại giảm thiểu sự tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Thúy An, khách du lịch đến từ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi đến đây vì tò mò về “Quán tự giác”. Nhưng đến rồi thì thấy còn muốn quay lại nữa vì ẩm thực ở đây rất ngon, cảnh đẹp, không khí trong lành. Chuyện về những người Mường sống trên núi cũng rất hấp dẫn”.
|
Anh Tuấn Anh (Hà Nội) sau khi nghe những chuyện kể hư hư thực thực về người Mường Ao Tá thì kết luận: “Tôi đã đi nhiều nơi, thấy người ta khai thác văn hóa dân gian bản địa vào du lịch rất phổ biến. Ví dụ sang Trương Gia Giới, Trung Quốc nghe chuyện về thuật cản thi rất ấn tượng dù ngày nay chả ai còn dùng cách này “dẫn” người chết về quê nữa.
“Quán tự giác” là một điểm thú vị của du lịch Hòa Bình mà chưa nơi nào ở Việt Nam có được. Tôi nghĩ nếu cứ khai thác văn hóa bản địa theo hướng này thì sẽ tạo ra thêm được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách”.
“AI NGỜ CHUYÊN TƯỚI RAU CŨNG KHIẾN NGƯỜI TA THÍCH”
Cho con lên Đà Bắc trải nghiệm cuộc sống miền núi, chị Huỳnh Thu Yến (Hà Nội) kể: “Bọn trẻ thích nhất là tiết mục tưới rau. Ở homestay có một vườn rau nhỏ, chiều chiều chủ nhà lại xách xô ra tưới. Khi các con tôi phát hiện ra dụng cụ tưới rau ở đây giống hệt cái súng phun nước, thế là tranh nhau làm. Người dân ngày xưa đúng là luôn có những sáng tạo khiến ta bất ngờ”.
Bà Lương, một người dân thôn Đá Bia cảm thán: “Ai mà ngờ chuyện tưới rau cũng khiến người ta thích. Trước đây có mấy chú Tây đến ở cũng cứ tranh việc với tôi suốt. Người Mường dùng cách tưới này từ xửa xưa rồi. Ngày trước làm gì có hệ thống tưới phun sương như bây giờ, thế là các cụ nghĩ ra cách làm mưa thủ công bằng ống nứa.
Đàn ông trong nhà chỉ việc lên rừng kiếm ống nứa già (vừa bền vừa nhẹ), về chế thêm cái pít tông đơn giản, thế là thành cái xi lanh khổng lồ, nhúng xi lanh xuống nước, hút lên rồi muốn tưới chỗ nào thì chĩa ra chỗ ấy, ấn pít tông là xong. Phạm vi tưới có thể xa tới 3-4 mét. Nhà nào vườn nhỏ thì chỉ cần đứng một chỗ là tưới được cả vườn”.
Khu vực Đá Bia nằm cạnh sông Đà, dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nhận thấy tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa phong phú của nơi này phù hợp với hình thức du lịch cộng đồng, năm 2014, tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam đã chọn nơi đây để phát triển dự án “Du lịch cộng đồng”.
Không giống nhiều địa điểm du lịch khác, để đến được xóm Đá Bia, thay vì đi ô tô hoặc xe máy, cách dễ nhất lại là đi đường thuỷ trên lòng hồ Hòa Bình. Dọc hành trình từ cảng Thung Nai đến xóm Đá Bia hết khoảng hơn một tiếng, đi qua những khung cảnh tuyệt đẹp được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi” của Việt Nam.
Người Mường Ao Tá, vì đã được huấn luyện làm du lịch nên ít nhiều đều có thể giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh với khách nước ngoài. Họ cũng thường xuyên bổ sung những sáng kiến nhỏ khiến du khách bất ngờ. Ví dụ, ngay trong homestay của mình, chị Trang để hẳn một địa điểm ngắm hồ trang trí bằng những bình hoa tái chế và thu hút khách nữ bằng biển hiệu: “Ngồi im tình yêu sẽ đến”! Theo quan sát của tôi, hầu hết khách ở homestay đều sẽ không đừng được mà chụp ảnh ngay cạnh cái khẩu hiệu ngộ nghĩnh này.
Trong những câu chuyện ở Đá Bia, hút khách còn có những câu đố. Ví dụ bà Yệu đố chúng tôi, người Mường làm bậc cầu thang theo số chẵn hay số lẻ. Người bảo chẵn người bảo lẻ mà cũng tranh cãi gần tiếng đồng hồ. Cuối cùng bà bảo: số lẻ. Bởi theo quan niệm của người Mường, số lẻ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và sự may mắn nên bậc cầu thang phải là số lẻ. Ngoài ra người Mường mặc định số lẻ thể hiện tính dương, số chẵn thể hiện tính âm nên đặc biệt kiêng kị làm bậc cầu thang số chẵn và chỉ khi làm nhà mồ cho người chết mới được phép làm bậc thang số chẵn.
Một cách tự nhiên, chúng tôi nhớ câu chuyện bậc cầu thang số lẻ mà không cần phải cố gắng gì.
ĐƯA MÓN ĂN CỔ LÊN BÀN TIÊC
Theo tổng kết của những người làm du lịch ở Đá Bia, hai món ăn được khách yêu cầu nhiều nhất lại là những món cổ làm rất kỳ công.
Món thứ nhất tên là canh đưa hay còn gọi là canh cán ngành – một món ăn của người Mường Ao Tá làm từ nguyên liệu chính là cây nưa. Đây là loài cây thuộc họ ráy, mọc dại trên rừng, thường mọc từ khoảng tháng 5 đến tháng 7, thế nên khách muốn ăn canh đưa thì phải đến Đá Bia vào đúng mùa hè. Cây đưa sau khi chọn lựa và chế biến tỉ mẩn (bởi nếu xử lý không kỹ thì món ăn bị ngứa), sẽ cho ra thành phẩm là một bát canh xanh nõn, thoáng vị chua dịu của mẻ, kết hợp với độ béo ngậy của thịt lợn bản là một trải nghiệm vị giác khiến người ta chỉ muốn thử lại.
Lò Thị Trang kể rằng, món canh đưa của cô từng được nhạc sĩ Nguyễn Cường tán thưởng, du khách nước ngoài cũng nhiều lần giơ ngón cái với món ăn dân dã này.
Một đặc sản ẩm thực khác nhất định phải thử khi đến Đá Bia là món cá ốt đồ. Nếu muốn thưởng thức món ăn kỳ công này khách nhất định phải đặt trước bởi món cá ốt đồ phải nấu trong thời gian 5-7 tiếng mới đạt yêu cầu. Cá ốt đồ chế biến gần giống với cá hấp ở dưới xuôi. Nồi hấp cá được người Mường gọi là cái ốt, có hình dáng tương tự cái chõ đồ xôi. Cá sau khi được sơ chế thì đem ướp với các loại gia vị như: muối, hạt tiêu, gừng, xả, ớt, hạt dổi chừng 30 phút cho ngấm sau đó đem trộn với thật nhiều măng, gói đùm vào lá chuối và đặt lên ốt, đồ từ 5-7 tiếng.
Món cá ốt đồ ngon và đạt yêu cầu là phải chín thật nhừ, mềm mà không được nát. Cả cá và măng quyện với những loại gia vị thơm nức mũi, mềm mà ngọt, nhai được cả xương.