Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới là hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Qua đó, góp phần bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói riêng và các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới nói chung.
Tại điều 8 chương II của Nghị định 125 quy định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả các hành vi này.
Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi vận động, xúi giục người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp theo định kiến giới.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới; Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập; Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối tượng vi phạm sẽ phải khắc phục hậu quả bằng các biện pháp sau: Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này; Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
Mức phạt trên được quy định áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, là điều hết sức cần thiết để nhằm loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử về giới trong công việc. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân tiếp cận được chính sách pháp luật và tự bảo vệ mình hoặc yêu cầu Nhà nước bảo vệ trước những hành vi phân biệt đối xử.