Tây Nguyên đang vào mùa mưa, thời tiết khắc nghiệt, mưa trắng trời, xối xả... nhưng vẫn không cản được những chuyến xe mang trên mình hàng chục tấn lương thực từ Tây Nguyên về “vùng dịch” TPHCM. Nhu yếu phẩm được bà con Tây Nguyên quyên góp, chất đầy những “Chuyến xe 0 đồng” mang theo cả một tấm lòng đến với đồng bào miền Nam.
Theo anh Đặng Hữu Trí, Trưởng nhóm “Chuyến xe 0 đồng” ở Gia Lai, trước đó, mấy anh em ngồi ở nhà, thấy báo đài đưa tin dịch bệnh COVID-19 hoành hành ở TPHCM. Nhiều người mắc kẹt, khó khăn, thiếu thốn về thực phẩm.
“Cầm lòng không đặng, tôi nảy ra ý định kêu gọi anh em, bạn bè chung tay tổ chức các chuyến xe gom góp lương thực, thực phẩm đưa vào cho bà con trong đấy”, anh Trí trải lòng. Nhóm “Chuyến xe 0 đồng” ra đời từ đó với 5 thành viên. Anh Trí tự bỏ ra 30 triệu đồng để nhóm làm kinh phí hoạt động.
Các tình nguyện viên tập kết hàng hóa lên những “Chuyến xe 0 đồng” |
Một thành viên trong nhóm đã lập Fanpage Facebook kêu gọi bạn bè đồng hành. Với hàng ngàn lượt chia sẻ qua Facebook, Zalo… rất nhiều người tìm đến, liên hệ với nhóm để chia sẻ.
Ngày 6/7, nhóm bắt đầu gom góp, đến ngày 11/7, “Chuyến xe 0 đồng” ở Gia Lai đầu tiên lăn bánh, đưa hàng hóa vào TPHCM. Hơn 25 tấn hàng hóa gồm rau xanh, củ quả đã trao cho điểm tiếp nhận ở Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Đây là khu vực do Thành đoàn TPHCM hỗ trợ địa điểm tiếp nhận hàng hóa từ một số tỉnh thành.
Đến ngày 18/7, “Chuyến xe 0 đồng” thứ hai lại lăn bánh, chở 30 tấn rau, củ, quả... Số hàng hóa này được anh Lê Khang, một thành viên trong nhóm dùng 70 triệu đồng tiền cá nhân nhờ người bạn của mình là Nguyễn Minh Trí (trú huyện Đak Đoa, Gia Lai) mua giúp rau củ ở quê mình để nhóm chuyển xuống TPHCM. “Với sự hỗ trợ của nhiều bạn bè trong đó, đoàn của Gia Lai kết nối với một số phường ở TPHCM. Họ giúp đỡ bố trí xe tải nhỏ nhận rau, quả phân phát đến các khu vực đang phong tỏa”, anh Khang cho hay.
Anh Khang nói, dịch bệnh khiến con người ta đồng cảm và xích lại gần nhau hơn. Chương trình “Chuyến xe 0 đồng” được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ, đã nhanh chóng lan rộng tích cực. “Những lần anh em đi mua rau, củ cho “Chuyến xe 0 đồng”, người dân các bản làng ở Gia Lai đến quyên góp bắp, bơ, chuối… trồng ở vườn nhà, bỏ vào bao cho nhóm. Anh em cầm mà lòng rưng rưng, xúc động vì tình cảm đồng bào mình quá lớn”, anh Khang tâm sự.
Chương trình “Chuyến xe 0 đồng” ở Gia Lai nhanh chóng lan tỏa đến tỉnh Kon Tum. Tống Nguyễn Duy Thanh (trú Kon Tum, sinh viên năm 4 phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum), cũng đã tự tay thực hiện ba “Chuyến xe 0 đồng” chở hàng hóa, thực phẩm vào TPHCM.
Theo anh Đặng Hữu Trí, Trưởng nhóm “Chuyến xe 0 đồng” ở Gia Lai, số hàng hóa nhận và cần quyên góp, mọi người có thể đưa về 3 địa điểm: 83-85 Trường Sa, TP Pleiku; Quán cà phê Cũ (13 Hoàng Văn Thụ, TP Pleiku) và Spa Louis-44 Trần Khánh Dư (TP Pleiku). Anh Trí cho biết, chương trình “Chuyến xe 0 đồng” hoạt động cho đến khi cả nước không còn COVID-19 hoành hành.
Thanh kể, thấy lời kêu gọi ủng hộ bà con vùng dịch phía Nam, Thanh cùng nhóm bạn lên huyện Kon Plông mua rau, củ, quả. Vừa là giúp bà con quê mình bán được vật phẩm, lại vừa tiếp tế cho người dân vùng dịch TPHCM nên ai cũng hăng hái. “Em muốn lái xe chở hàng vào vùng dịch, trao tận tay để bày tỏ tấm lòng với người dân lúc hoạn nạn”, Thanh chia sẻ. Thanh cũng cảm thấy may mắn khi quyết định của mình được gia đình ủng hộ.
Từ Kon Tum, Thanh vượt 500km với thời gian khoảng 20 tiếng để vào TPHCM. Quá trình chở hàng, đôi lúc Thanh cảm thấy thấm mệt, song cứ nghĩ đến cảnh được trao tận tay cho bà con những nhu yếu phẩm, đặc biệt là rau xanh, Thanh lại dặn lòng còn sức là còn chạy.
Thanh nói việc làm của mình chưa là gì cả và cho biết sẽ dốc sức tự tay lái những “Chuyến xe 0 đồng” thời gian tới, càng nhiều càng tốt để vào với bà con vùng dịch TPHCM.